Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 29/09/2017, 10:56 AM

Dư luận đa chiều xoay quanh việc tiểu thương Chợ An Đông bức xúc bãi thị

(NTD) - Dự án nâng cấp Trung tâm Thương mại Dịch vụ (TM-DV) An Đông (chợ An Đông) được UBND Q.5 chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1, từ năm 2011-2016, mặc dù ban quản lý chợ đã thu hàng trăm tỷ đồng nhưng những hạng mục được đưa vào sửa chữa vẫn rơi vào tình trạng hư hỏng trầm trọng. "Tức nước vỡ bờ", hơn 2.000 tiểu thương đã bức xúc, đòi quyền lợi.

CAD1
Toàn cảnh cơ sở hạ tầng phía ngoài của chợ An Đông xuống cấp trầm trọng.
CAD2
Ngày 19/9, các sạp, quầy hàng tại chợ đã đóng cửa, ngừng hoạt động.

Vì sao tiểu thương bãi thị?

Các tiểu thương buôn bán ở chợ chia sẻ rằng, từ năm 2012, UBND quận 5 không thực hiện nâng cấp chợ như đã cam kết. Đứng trước việc bãi thị diễn ra vô cùng gay gắt của các tiểu thương, lãnh đạo Q.5 phải sử dụng đến loa phóng thanh để giải tán đám đông và đứng tại tiền sảnh của chợ để mở cuộc đối thoại trực tiếp với người dân. Tuy nhiên, những lời hứa của lãnh đạo địa phương về việc sẽ hoàn thành dự án nâng cấp chợ trong giai đoạn 2, tức là từ năm 2017-2021 vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Chính vì thế, hơn 300 người đại diện cho toàn bộ tiểu thương của chợ đã kéo đến trụ sở UBND TP.HCM để tiếp tục kiến nghị. Tại đây, những phản ánh của các tiểu thương đã được phòng tiếp dân của ủy ban ghi nhận và hẹn sau 10 ngày sẽ được giải đáp theo đúng quy định.

Cụ thể, các tiểu thương đã yêu cầu chính quyền ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê những sạp hàng có thời hạn và chuyển thành quyền kinh doanh không có thời hạn. Chính quyền thành phố phải công nhận quyền sở hữu các sạp hàng, gian hàng của tiểu thương tại chợ An Đông bằng các quyết định rõ ràng, minh bạch. Bởi vì tổng số được dùng vào việc nâng cấp chợ lần này do các tiểu thương tại đây đóng góp. Song song với 2 kiến nghị trên, đại diện của hàng ngàn tiểu thương trong cuộc biểu tình còn đề nghị chính quyền phải đưa số tiền đóng góp sửa chữa chợ từ năm 2012 gửi vào ngân hàng và không ai khác, chính các tiểu thương phải là chủ tài khoản.

Andong1
Các sạp, quầy hàng đồng loạt đóng cửa, ngừng hoạt động trong ngày 19/9.

Tính đến thời điểm 9h sáng 19/9, hầu hết các sạp, gian hàng đều đã đóng cửa và ngưng hoạt động. Một chị tiểu thương có tên N. T. Y bức xúc: “Chúng tôi biểu tình để đòi quyền lợi kinh doanh dài hạn. Cơ sở hạ tầng ở chợ đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống tường, trần nhà, nhà vệ sinh đều bị rạn nứt, nền sụt lún, dây điện dài loằng ngoằng, chắp nối với nhau chằng chịt khiến ai nhìn vô cũng phải sợ hãi vì quá nguy hiểm. Nhưng dù chúng tôi đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, chợ vẫn không được sửa chữa”.

Một tiểu thương khác bày tỏ, từ năm 2011, số tiền phải đóng cho một quầy, sạp từ 200.000-250.000 đồng. Đến năm 2014, chính quyền địa phương Q.5 đã cho thi công sửa chữa hệ thống cấp nước, nhà vệ sinh với số tiền được thông báo là hơn 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, dù đưa vào sử dụng chưa được 2 năm nhưng các công trình này đã bị hư hỏng nặng nề, thậm chí trần nhà bị sập, xi măng đổ từ trên cao xuống làm bị thương một tiểu thương ở đó".

q
Chợ vắng khách, các tiểu thương tụ tập nói chuyện.
ad2
Hệ thống bảo vệ dây điện không được chú trọng.

UBND quận 5 xin lỗi tiểu thương

Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5 cho biết các hạng mục được ban quản lý chợ An Đông đưa vào thực hiện bao gồm các hạng mục như: Xử lý nước thải, lắp đặt đồng hồ điện, lắp đặt hệ thống chiếu sáng 4 mặt tiền, nâng cấp ô giếng trời, nội ngoại thất và các hạng mục phát sinh. Tuy nhiên, một số hạng mục được thi công chậm trễ do lỗi chủ quan của đội ngũ kiểm tra là chưa khảo sát đầy đủ về số lượng thiết bị hư hỏng.

Cũng theo ông Huy, hiện nay Q.5 đang khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung Công văn số 250/UBND-KT ngày 28/4/2017 của UBND TP.HCM về kết quả kiểm tra hoạt động của chợ An Đông. Trong đó tập trung bảo đảm tiến độ nâng cấp, cải tạo, sửa chữa; thực hiện việc tạm dừng thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để thương nhân hiểu rõ, nắm chắc chủ trương, chính sách và pháp luật.

“Việc tiến hành nâng cấp, sửa chữa các hạng mục tại chợ An Đông thực hiện chậm so với tiến độ đã lên kế hoạch chứ không phải không được thực hiện. UBND Q.5 tiếp thu sâu sắc ý kiến và bày tỏ sự chia sẻ đối với tâm tư của tiểu thương. Đồng thời UBND quận cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến các tiểu thương tại chợ về những thiếu sót trong quá trình thực hiện dự án. Trong thời gian tới, lãnh đạo quận sẽ có phương án giải quyết phù hợp về tổ chức nhân sự trong ban quản lý chợ và đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa chợ ở giai đoạn 2, từ năm 2017-2021” - ông Huy nhấn mạnh.

Các tiểu thương tại chợ An Đông bức xúc bày tỏ:

“Quá trình thực hiện các hạng mục được nâng cấp sửa chữa phải được công khai, minh bạch bằng các chứng từ, văn bản hợp pháp chứ không thể làm đại khái rồi dán bảng quyết toán chi khiến chúng tôi hoang mang và không biết số tiền của mình đã đóng góp được phân bổ vào những công trình nào. Thực tế mỗi ngày, hệ thống cống thoát nước ở đây bốc mùi hôi thối khủng khiếp, nhà vệ sinh dơ bẩn, lối đi nhếch nhác nên chẳng khách mua hàng nào muốn ghé vào. Gia đình tôi mưu sinh nhờ công việc kinh doanh nhỏ này nhưng nói thật, nếu tôi cứ bám trụ mãi với sạp hàng này chắc kinh tế không khá lên được”.

“Chúng tôi đã gửi các đơn thư, đề xuất, thậm chí là đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương và thành phố về sự giải quyết không thỏa đáng cũng như thái độ hời hợt, thiếu trách nhiệm của ban quản lý chợ An Đông từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, kết quả vẫn đâu vào đấy, cơ sở hạ tầng ngày càng tồi tàn, cũ nát khiến khách mua hàng vừa bước vô đã đi ra ngay”.

“Nếu Chủ tịch UBND Q.5 nói rằng các hạng mục nâng cấp, sửa chữa tại chợ An Đông diễn ra chậm so với kế hoạch. Vậy chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương giải thích rõ ràng nguyên nhân gì dẫn đến sự chậm trễ đó. Hơn thế, chúng tôi cần nắm rõ các hạng mục phát sinh cụ thể trong giai đoạn 1 từ năm 2011-2021. Mặt khác, dự án tại chợ An Đông được chia làm 2 giai đoạn nhưng tại sao lại ngừng thu ở năm 2016 và không tiếp thu ở giai đoạn 2, tức là từ năm 2017-2021”.

 Bùi My 

 

Dư luận bức xúc trước thông tin đổ thêm 2,4 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.