Điều chưa từng có trong tiền lệ xếp hạng

(CL&CS) - Trong thế giới đầy bất ổn, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng thế giới nâng triển vọng lên mức Tích cực. Nhưng cần phải cải cách mạnh mẽ, điều hành kỹ trị hơn để kinh tế khởi sắc và nâng tín nhiệm quốc gia. TS.Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng trả lời phỏng vấn của Tạp chí Chất lượng và cuộc sống.

Trong bối cảnh đại dịch đang ngày càng căng thẳng, thế giới đầy bất ổn, nhiều quốc gia bị giảm mức tín nhiệm và suy giảm triển vọng nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng thế giới nâng triển vọng lên mức Tích cực. Ông đánh giá như thế nào về xếp hạng này?

Những đánh giá này là sự ghi nhận của Moody’s, S&P Global Ratings và Fitch Rating - 3 tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới về kết quả thực hiện mục tiêu kép đã đạt được và về cách thức giải pháp chống dịch và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Moody’s cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 và nâng triển vọng hai bậc lên Tích cực. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của Moody’s trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19.

Cơ sở đưa ra xếp hạng của 3 tổ chức này là trong bối cảnh hầu hết các quốc gia suy giảm vì dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam nhiều điểm sáng và kiểm soát tốt dịch bệnh. Cán cân thanh toán thặng dư. Vĩ mô ổn định.

TS.Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng

TS.Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng

Nợ công giảm, vị thế tài khoá được cải thiện. Vị thế tài chính đối ngoại tiếp tục tăng cường nhờ tài khoản vãng lai thặng dư liên tục và dự trữ ngoại hối tăng…

Cùng với đó, Mỹ rút Việt Nam khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ đã mở ra triển vọng tốt cho quan hệ đối ngoại của kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó bước sang năm 2021, Việt Nam có bộ máy Chính phủ mới với hành động quyết liệt, giữ vững mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Cách thức chống dịch trong lần làn sóng dịch thứ 4 này cũng đã khác trước để hạn chế tối đa các tác động xấu tới đời sống kinh tế xã hội và không để đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng. Kinh nghiệm chống dịch và kỹ năng xét nghiệm của Việt Nam  đã tốt lên. Việc tiêm vắc xin đang được mở rộng. 

Với mức độ tín nhiệm và triển vọng mà 3 tổ chức này đánh giá sẽ tác động thế nào tới thị trường? 

Việc giữ mức xếp hạng tín nhiệm, nâng triển vọng lên “Tích cực” của các tổ chức quốc tế, trong ngắn hạn chưa tác động nhiều tới thị trường, sẽ không làm giá cổ phiếu tăng nhưng sẽ là chân trời tốt hơn cho uy tín Việt Nam về lâu dài và cũng mở ra cơ hội huy động nguồn vốn tốt hơn cho nền kinh tế.

Với những đánh giá này, Việt Nam sẽ tốt hơn nữa trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài sẽ coi  Việt Nam là một điểm đến ưu tiên khi lựa chọn đầu tư  ở khu vực Đông Nam Á.  

Cơ hội huy động vốn và đa dạng nguồn vốn huy động trên thị trường vốn quốc tế của Việt Nam được mở rộng. Nhưng cơ hội mở rộng không đi có nghĩa là chi phí vay vốn sẽ thấp đi và lãi suất giảm hơn.

Chỉ khi nào nâng được hạng tín nhiệm thì mới có cơ hội vay vốn lãi suất hơn và chi phí tài chính rẻ hơn. Nâng được hạng có nghĩa là rủi ro giảm thì lãi suất sẽ thấp hơn.

Chúng ta phải phấn đấu để được nâng hạng cao hơn để lãi suất thấp, chi phí tài chính rẻ hơn. 

Vậy để nâng hạng tín nhiệm chúng ta cần làm gì, theo ông?

Có nhiều việc phải làm và cần cải cách mạnh mẽ. Công tác điều hành phải ngày càng phải kỹ trị hơn.

Kỹ trị hơn là phối hợp điều hành tốt hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế, các chỉ số tăng trưởng được lượng hoá, tính toán đồng bộ. Là khi Chính phủ phát lệnh điều hành lĩnh vực này sẽ lan toả sang lĩnh vực khác. Chứ các lĩnh vực không rời như thực trạng “củ khoai tây” hiện nay, khi “lệnh điều hành” đổ ra, các củ khoai tây sẽ chạy ra các hướng không hiệu quả.

Kỹ trị là phải tính toán rõ ràng việc kiểm soát dịch như thế nào, chi phí chống dịch mua vắc xin bao nhiêu để có thể miễn dịch cộng đồng.

Đưa ra giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp các ngành, các lĩnh vực thế nào để đưa nền kinh tế khởi sắc. Ví dụ như những giải pháp chính sách cụ thể nào cho các ngành du lịch, dịch vụ, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải… đang rất khó khăn.

Kỹ trị thể hiện ở việc phát triển hạ tầng và nhà ở,  phát triển giao thông xanh, đô thị xanh và thông minh. Kỹ trị là không để công nhân ở trong những phòng ở lụp xụp.

Chúng ta phải tính đến giải pháp kỹ trị như  loại bỏ các dự án nhiệt điện than mới, dần đóng cửa các nhà máy điện than hiện có và tăng đầu tư năng lượng tái tạo.

Vấn đề kỹ trị tiếp theo là cân đối về mặt tài chính. Vì chống dịch thì chi phí đang tăng lên. Và lâu nay ngân sách vẫn bội chi. Trong lúc chống dịch chúng ta phải chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhưng cũng phải có tính toán và đặt ra lộ trình cân bằng thu chi ngân sách. 

Điểm nữa về kỹ trị là thúc đẩy kinh tế số và thanh toán không dùng tiền mặt. Việt Nam có lợi thế như 70% dân số sử dụng internet, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh đạt top 10 thế giới và các thương mại điện tử phát triển tốt, các phương thức thanh toán online như QACode, ví điện tử, mobile banking đã phát triển mạnh trong hơn một năm cả thế giới vật lộn với covid vừa qua. Nhưng 80 -90 % các giao dịch mua hàng online vẫn thanh toán bằng tiền mặt.  

Điểm chốt lại, để giải quyết bài toán kỹ trị là quay về câu chuyện đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế kinh tế và các chương trình cải cách đang làm dang dở và cần cập nhật làm mới tư duy của nhà hoạch định chính sách.

Thủ tướng vừa chỉ đạo phải thần tốc thực hiện chiến lược vắc-xin và đây là vấn đề rất quan trọng. Để có đủ vắc-xin tất cả người dân thì khoản tiền mua vắc-xin là không nhỏ?

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến mua 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người  với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng.

Ngân sách Nhà nước không thể cáng đáng toàn bộ. Nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chung tay cùng Chính phủ mua vắc -xin để có vắc xin tiêm chủng cho toàn dân. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị cho thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

Người dân Việt Nam ta giàu lòng yêu nước và luôn mang tinh thần đoàn kết thân ái và luôn sẵn sàng đóng góp chúng ta sẽ có đủ nguồn lực để tiêm vắc xin trên diện rộng. Dù đất nước chúng ta còn nghèo nhưng tôi tin rằng với sự đóng góp của toàn xã hội chúng ta không lo thiếu kinh phí, tôi tin rằng sẽ có được 1 tỷ USD để  giải quyết bài toán vắc xin .

Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

Bất ổn từ đại dịch kéo theo bất ổn xã hội, suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.Trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới. Tính đến ngày 21/5/2021, đã có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Hà Linh Lan

Bình luận

Nổi bật

Người Việt Nam đầu tiên được mời đào tạo và diễn thuyết về AI tại hội nghị quốc tế của ASQ: Được nhận visa nhân tài của Mỹ, khách mời quen thuộc của Shark Tank Việt Nam

Người Việt Nam đầu tiên được mời đào tạo và diễn thuyết về AI tại hội nghị quốc tế của ASQ: Được nhận visa nhân tài của Mỹ, khách mời quen thuộc của Shark Tank Việt Nam

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 16:13

Anh từng chia sẻ, gia đình anh trước đây rất khó khăn, bản thân anh cũng là người đầu tiên trong nhà có cơ hội đi học đại học.

Phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:09

(CL&CS) - Ngày 26/4/2024, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia đã diễn ra Hội thảo “Tiềm năng phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam tổ chức, Hội thảo đã tập trung vào hai dạng năng lượng chính: khí hóa than ngầm và năng lượng địa nhiệt.

ĐHCĐ VINAMILK: Cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

ĐHCĐ VINAMILK: Cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 08:19

(CL&CS) - Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.