Dữ liệu cũ
Thứ hai, 24/02/2020, 13:01 PM

ĐBSCL lại “thấp thỏm” vì hạn, mặn

(NTD) - Đến thời điểm hiện tại, khu vực ĐBSCL có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, thời gian tới tình trạng hạn, mặn tiếp tục tăng nhất là khu vực ven biển, vùng cửa sông lớn theo các kỳ triều cường trong tháng 3, tháng 4.

2
Người dân ĐBSCL lấy nước ngọt về sử dụng.

Người và lúa đều khát nước ngọt

Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đến giữa tháng 2/2020, tổng diện tích lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 bị ảnh hưởng đã lên tới trên 32.000ha. Ngoài ra, khoảng 80.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong thời gian diễn ra hạn, mặn…

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết: “Do trên lưu vực sông Mê Kông năm 2019-2020 ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình hằng năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 - năm xuất hiện hạn, mặn kỷ lục. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020”.

Hạn, mặn đến sớm hơn ở Sóc Trăng so với các địa phương khác do tiếp giáp với biển và cửa sông Hậu, độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Hiện độ xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40-55km (so với năm 2016 tăng 10-15km), nên dự báo toàn tỉnh có khoảng 1.000ha lúa bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn do người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 không theo khuyến cáo. Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ 11-15/2, nước mặn theo sông Hậu đã lấn sâu vào địa phận xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tức là đã xâm nhập khoảng 60-70km vào nội đồng với độ mặn lên tới 8%. Điều may mắn cho Sóc Trăng là vùng trồng lúa chính Long Phú - Tiếp Nhật của tỉnh rộng hơn 40.000ha đã thu hoạch xong trước Tết. Dù vậy, tình hình xâm nhập mặn đang gây rất nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Tại An Giang, theo dự báo của Sở NN-PTNT tỉnh này, do mực nước trên các kênh rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng gây khô hạn, tỉnh cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến 9.361ha đất sản xuất nông nghiệp tại các địa phương như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu.

Còn tại Cà Mau, tính đến giữa tháng 2/2020, tỉnh này ghi nhận có trên 16.500ha lúa - tôm bị thiệt hại, hơn 14.000ha lúa mùa và hơn 10.000ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước. Hạn mặn khiến hơn 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sinh hoạt.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, cho biết: “Trà Vinh là tỉnh duyên hải biển nên việc hạn, mặn diễn ra khá gay gắt. Toàn tỉnh có khoảng 5.500ha lúa bị ảnh hưởng hạn, mặn. Hiện tỉnh đề ra biện pháp đối phó chủ lực là đóng nắp cống ngăn mặn, trữ nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu. Bơm tát hỗ trợ ruộng lúa đang đẻ nhánh xuống giống theo lịch thời vụ…”.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm trung tuần tháng 2/2020, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang diễn biến phức tạp và khó lường. Mực nước các trạm nội đồng xuống rất thấp, ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 0,15-0,25m. Khô hạn đã làm một số diện tích lúa đông xuân của tỉnh bị thiệt hại. Cụ thể, tại huyện Vĩnh Thuận, lúa đông xuân bị thiệt hại do thiếu nước ngọt khoảng gần 1.500ha, gây ảnh hưởng năng suất từ 30-70%…

Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến nay, khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử là rất lớn.

1
 

Giải pháp ứng phó

Trên thực tế, hạn mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016, nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn… nên thiệt hại tính đến thời điểm hiện tại vẫn thấp hơn rất nhiều so năm 2016.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, đến nay, tổng thiệt hại đối với sản xuất lúa trong vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 là trên 32.000ha, bằng 7,3% so với thiệt hại năm 2015-2016. Có được kết quả thuận lợi trên, theo ông Tùng ngoài việc đưa các dự án phòng chống xâm nhập mặn vào sử dụng, việc tổ chức xuống giống sớm sẽ góp phần giúp kéo giảm thiệt hại về sản xuất lúa do hạn và xâm nhập mặn.

“Tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2019-2020 đã được các cơ quan chuyên môn của bộ dự báo từ tháng 7/2019 và ngành chức năng đã chuẩn bị từ thời điểm đó. Do làm sớm công tác phòng, chống hạn xâm nhập mặn ngày từ đầu mùa khô, chủ động nguồn nước sản xuất, vận hành tốt các cống, công trình thủy lợi để ngăn mặn, giữ ngọt… đến nay, dù mùa khô, hạn mặn đến sớm trước gần cả tháng so với năm 2016 nhưng thiệt hại về cây trồng, sản xuất của người dân các tỉnh trong khu vực ĐBSCL được cho là chưa lớn” - ông Tùng cho biết thêm.

Bộ NN-PTNT đã kiến nghị khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt; kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, bộ cũng kiến nghị các đơn vị chức năng chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán tại các tỉnh trong khu vực; kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch...

Về lâu dài, Bộ NN-PTNN cho rằng cần khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triến nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng…

Trung Thuận

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.