Thứ sáu, 01/03/2024, 15:41 PM

Chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

(CL&CS) - Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đến nay vẫn còn hạn chế. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho cơ quan Thuế là phải rà soát thực tế quản lý thuế tại các địa phương để đưa ra các giải pháp quản lý nhằm triển khai công tác quản lý thu thuế với TMĐT mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ảnh: H.Anh

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Ảnh: H.Anh

Thách thức không nhỏ đối với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thu

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế.

Đó là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.

Để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam”.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 2146/QĐ-TCT ngày 12/11/2021).

Trên cơ sở kế hoạch tổng thể của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch chi tiết kèm theo Quyết định số 1741/QĐ-TCT ngày 29/11/2021 để triển khai Đề án. Theo đó, Tổng cục Thuế chú trọng và kịp thời xây dựng, đề xuất, triển khai các giải pháp quản lý thuế trong ngắn hạn và dài hạn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Theo số liệu báo cáo của các cục thuế, thông qua công tác phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương, các ngân hàng thương mại, cơ quan Thuế trên toàn quốc đã thực hiện rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT để đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Kết quả: năm 2021 thu đạt 261 tỷ đồng, năm 2022 thu đạt 716 tỷ đồng (bằng 274% năm 2021), 10 tháng đầu năm 2023 thu đạt 536,5 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo đó, khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, do phương thức mua bán, giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến, kết nối mạng Internet toàn cầu nên người mua người bán không cần có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần địa điểm kinh doanh cố định.

Hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT thường không có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng, bên cạnh đó có nhiều đối tượng sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký kinh doanh TMĐT nên khó quản lý được chính xác đối tượng.

Đặc biệt, hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp nước ngoài được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng số, thông qua mạng internet dẫn đến việc cơ quan Thuế gặp khó khăn khi thu thập thông tin, xây dựng danh sách nhà cung cấp nước ngoài để yêu cầu đăng ký, kê khai và nộp thuế...

Nghiên cứu giải pháp phù hợp với thực tiễn vận động của TMĐT

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, để thu thuế với TMĐT đạt hiệu quả hơn, các đơn vị chuyên môn cần tập trung trao đổi thống nhất nhận diện đối tượng tham gia kinh doanh TMĐT, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể theo từng nhóm đối tượng.

Đối với phương pháp quản lý thuế và cách thức thu thập thông tin thông qua các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT như chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán... cần được đặc biệt lưu ý và nghiên cứu để có giải pháp triển khai phù hợp với thực tiễn vận động của sự phát triển TMĐT trong thời gian tới.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị, trong thời gian tới, ngành Thuế cần triển khai ngay một số nội dung trọng tâm. Theo đó, đơn vị chủ trì có báo cáo toàn diện công tác quản lý thuế với TMĐT, trong đó đánh giá kết quả, nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn tại và kiến nghị cụ thể các giải pháp quản lý theo từng nhóm đối tượng để chống thất thu thuế TMĐT.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện việc khai thuế, nộp thuế với thu nhập nhận được từ hoạt động kinh doanh TMĐT kết hợp với công khai danh sách người nộp thuế nợ thuế trên trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Theo ông Mai Xuân Thành, quản lý thuế đối với TMĐT khó, vì vậy các cơ quan tham mưu của Tổng cục Thuế cần tập trung nghiên cứu thấu đáo các loại hình phát triển của TMĐT, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất những giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn để đề xuất các bước, các giải pháp phải hướng đến hiệu quả quản lý tại các cơ quan thuế địa phương.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực ASEAN trong việc thu thuế từ qua cổng Thông tin điện tử đối với nhà cung cấp nước ngoài xuyên biên giới.

Đến nay đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 8.096 tỷ đồng, trong đó đã có 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng Thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

Đối với Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế, đến nay cũng đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…

Đồng thời, đến nay cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT với số tiền khoảng 275 tỷ đồng.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:29

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:51

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, trở thành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 08:33

( CL&CS) - Trong khuôn khổ dự án ODA của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam về “Thúc đẩy các dịch vụ bảo đảm chất lượng vì năng lượng bền vững”, đoàn chuyên gia Viện Đo lường Đức (PTB) và điều phối viên Dự án đã có chuyến công tác tới thăm và làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (từ ngày 5 – 12/4/2024) tại Hà Nội.