Thứ sáu, 30/09/2022, 08:58 AM

Nhiều khó khăn thách thức với công tác quản lý thuế thương mại điện tử

(CL&CS)- Ngày 29/9, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử”.

2

Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời: bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông; GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT: Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận

Các ý kiến tại Tọa đàm đều khẳng định đi cùng với sự phát triển rất nhanh của TMĐT ở Việt Nam thì công tác quản lý thuế trên TMĐT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

“Ngành thuế là ngành tiên phong và là ngành đầu tiên được đánh giá cao nhất trong chuyển đổi số, ngành đi đầu trong chuyển đổi số của Việt Nam”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá. 

Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Quá trình này được ngành thuế thực hiện khá nhanh, đó là nền tảng rất quan trọng. Nhờ đó, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong 4 nước đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về việc quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử.

Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, để có được thành công này là do, ngành thuế và các bộ, ngành liên quan đã sớm nắm bắt được xu hướng phát triển của TMĐT và tiên phong trong áp dụng những công nghệ quản lý mới vào công tác quản lý thuế. Bên cạnh những việc đã triển khai về mặt kỹ thuật, công nghệ thì việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cũng được chú trọng. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Quản lý thuế tích hợp ngay những nội dung về quản lý thuế đối với TMĐT, sau đó là các hướng dẫn thực thi của Chính phủ.

Một điểm nổi bật khác là giờ đây, quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT không phải là câu chuyện riêng của ngành tài chính mà còn là nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan như Bộ TT&TT, Bộ Công Thương hay Ngân hàng Nhà nước… trong phối hợp trao đổi, kết nối thông tin, xây dựng chính sách pháp luật đồng nhất trong quản lý hoạt động TMĐT.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, khi phối hợp với Bộ Tài chính thì Bộ TT&TT đã chủ động làm việc với các đơn vị như Cục Thuế TPHCM, Hà Nội để trao đổi thông tin cũng như xác định các đối tượng cần phải nộp thuế khi thực hiện các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số xuyên biên giới. Bộ TT&TT và Bộ Tài chính cũng đã ký biên bản hợp tác trao đổi thông tin và dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động quản lý thuế.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TMĐT, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 85 sửa đổi bổ sung Nghị định 52 về TMĐT hướng tới mục tiêu thúc đẩy các giao dịch TMĐT đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên môi trường điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT, hình thành tập quán tiêu dùng thương mại hiện đại tại Việt Nam.

Chia sẻ về nỗ lực của ngành thuế trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế thông tin, ngành thuế đã triển khai rất đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT từ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế; tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số; hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh các cá nhân kinh doanh; đến hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin hỗ trợ người nộp thuế. 

Ngành thuế cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch TMĐT để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7 đáp ứng nhu cầu TMĐT.

Nhờ những giải phát đồng bộ, hiệu quả trên, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, số thu từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 130%, đặc biệt số thu năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như: Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng),…Kết quả sau hơn 5 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp dịch vụ số, lũy kế hết tháng 8/2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.082 tỷ đồng. Số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng, gấp đôi số thu năm 2021.

Nhiều khó khăn thách thức với công tác quản lý thuế TMĐT

Với những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam, thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế.

Thách thức lớn nhất là khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế. Trong điều kiện nền kinh số, các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống, theo đó các quốc gia đều căn cứ trên sự hiện diện vật chất của người nộp thuế, trong khi doanh nghiệp, cá nhân có thể vận dụng các quy định để phân bổ thu nhập về địa điểm có lợi nhất về thuế theo quy định của từng nước.

Một thách thức khác là khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Trên môi trường số, các hoạt động kinh doanh có thể thực hiện thông qua website mà không cần sự hiện diện vật chất của người nộp thuế tại một nước hay một địa bàn cụ thể. Nói cách khác “sự hiện diện trong không gian số” không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật thuế hiện hành mà đang căn cứ chủ yếu vào “sự hiện diện vật chất” của tổ chức kinh doanh hay người nộp thuế.

Mặt khác, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường. Ví dụ, điển hình là doanh thu liên quan đến phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng,... rất khó để xác định số tiền chi trả cho bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu trả cho sản phẩm số để ngành thuế làm căn cứ tính thuế GTGT, nghĩa vụ khai thuế. Đồng thời, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng của như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử....

Ngoài ra còn khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Do chủ thể kinh doanh thương mại điện tử không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

Cần liên tục cập nhật, hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với sự phát triển của công nghệ 4.0

Trước thách thức trên, đại diện Tổng cục Thuế thông tin, Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã được Bộ Tài chính phê duyệt, với rất nhiều giải pháp, trong đó giải pháp rất quan trọng là tăng cường trách nhiệm của người nộp thuế, trách nhiệm của người có liên quan, tổ chức trung gian. Ví dụ như các sàn giao dịch điện tử sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế và đó cũng là giảm thiểu thủ tục hành chính trong việc kê khai nộp thuế. Ngành thuế cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về công nghệ thông tin, công nghệ 4.0, các công nghệ Big Data, AI… vào việc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế.

Một giải pháp cũng rất quan trọng là tăng cường phối hợp giữa các ban ngành có liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Bộ Tài chính đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ TT&TT, Bộ Công Thương và đang trong quá trình xây dựng, ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý dòng tiền, trong đó có các quy định về bảo mật, an toàn thông tin. Ngành thuế cũng sẽ tăng cường phối hợp với Cục An ninh mạng, Bộ Công an trong việc ra soát thông tin của những cá nhân có thu nhập lớn từ các nền tảng xuyên biên giới.

Nhiều đóng góp ý kiến, hiến kế với ngành thuế trong đó có đề suất việc thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với hoạt động thương mại điện tử. Đây là một giải pháp rất hay cũng là khuyến nghị của OECD và được áp dụng thành công ở một số nước như là Argentina, Ecuador hay là Paraguay… Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần phải cũng cố căn cứ pháp lý như sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập cá nhân hay Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. “Ngành thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này, vì đó là giải pháp rất hay. Khi có một giao dịch thương mại điện tử phát sinh thì sẽ có ngay một dòng tiền thuế giá trị gia tăng vào thẳng ngân sách Nhà nước, không mất nhiều thời gian, công sức của người nộp thuế cũng như cơ quan thuế”, bà Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, bên cạnh khuôn khổ pháp luật tốt, hoàn thiện, rất cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ để có được cơ sở dữ liệu số, phục vụ rất tốt cho công tác quản lý thuế. Do đó, đẩy mạnh xây dựng dữ liệu số và chia sẻ dữ liệu dùng chung là rất cần thiết, cần nỗ lực triển khai đồng thời ứng dụng mạnh hơn những thành tựu công nghệ 4.0 như AI, Big Data và đặc biệt là Blockchain. Áp dụng các công nghệ này vào quản lý các sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng sẽ nắm rõ các hoạt động giao dịch điện tử, từ nguồn gốc hàng hóa đến quá trình giao dịch.

Vấn đề nữa là cần có cơ chế để khuyến khích các đối tượng nộp thuế tự giác, bởi nếu có một cơ chế tốt thì người nộp thuế sẽ tự tính toán, cân nhắc thấy được việc tự giác khai báo thuế sẽ được nhiều lợi ích hơn là cố tình trốn thuế, từ đó tự điều chỉnh hành vi thực hiện nghiêm các quy định về thuế.

Cũng theo các đại biểu, nếu thực hiện đồng bộ được các giải pháp trên, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan có liên quan thì chắc chắn công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế thương mại điện tử nói riêng sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và xu hướng phát triển của TMĐT trong thời gian tới./.

Hoàng Hiệp

Bình luận

Nổi bật

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 11:02

(CL&CS) - Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.

Nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh mới

Nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh mới

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:13

(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đã nhấn mạnh, Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề về căn cứ pháp lý cho đổi mới về quản lý nhà giáo, những thể hiện về mặt chuyên môn và cả chế độ chính sách cho nhà giáo. Điều này sẽ góp phần quan trọng để khẳng định và giữ vững vị thế, nâng cao vị trí của nhà giáo trong xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 11:21

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.