Chi tiết 8 ngân hàng bị thanh tra đầu tư trái phiếu, HDBank, TPBank dẫn đầu khối lượng phát hành

(CL&CS)-Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 8857/CĐ-VPCP, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần.

Kênh huy động vốn qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện đã trở thành một huy động vốn tương đối lớn trong mối tương quan với kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như kênh huy động vốn cổ phần qua thị trường chứng khoán.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Ngày 03/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng  tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.

Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.

Đến tháng 4, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng, trừ Baoviet Bank, do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra. Sau thanh tra, đoàn thanh tra giám sát đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.

Kết quả thanh tra cũng được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xử lý những sai phạm liên quan đến việc sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.

Cũng trong những tháng đầu năm nay, Cơ quan TTGSNH còn thực hiện cuộc thanh tra chuyên ngành đối với Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam và thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn, Nam Định.

Triển khai nhiệm vụ quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 và quý I/2022. Theo thông tin ghi nhận trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 mà Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, cơ quan này đã điểm mặt 20 doanh nghiệp có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua.

Cụ thể, tổng khối lượng trái phiếu phát hành của 20 doanh nghiệp này năm 2021 vừa qua đạt 237.851 tỷ đồng. Trong danh sách 8 ngân hàng thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gồm: Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank.

Theo thống kê từ Bộ tài chính, trong số 8 ngân hàng này, nằm trong danh sách 20 doanh nghiệp phát hành TPDN lớn nhất năm 2021, lĩnh vực TCTD có HD bank có khối lượng trái phiếu phát hành lên tới 17.320 tỷ đồng (chiếm 7.2%); TP bank với 17.100 tỷ đồng (chiếm7.1%); SHB 12.400 tỷ đồng (chiếm 5.2%) và Seabank 8.400 tỷ đồng (chiếm 3.5%).

Danh sách 20 doanh nghiệp phát hành TPDN lớn nhất năm 2021.

Theo Cơ quan TTGSNH, hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng để kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước và ngành Ngân hàng.

Đồng thời, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong ngành Ngân hàng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện, cảnh báo rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo số liệu thống kê, riêng tháng 4, trong số 23 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng, có tới 14.940 tỷ (91%) là trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành.

Trong báo cáo Chính phủ gửi tới Quốc hội cũng cho biết đến cuối tháng 3, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,95% tổng dư nợ tín dụng.

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản là 124.800 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2021, chiếm 38% tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Số dư trái phiếu mục đích tăng quy mô vốn là 101.500 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm trước và chiếm gần 32% tổng số dư toàn hệ thống.

Theo nội dung chỉ đạo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp, tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trước đó tại buổi thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội ngày 1/6, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ cần đánh giá cụ thể những rủi ro với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, trong đó làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Ngoài ra, cần làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Hiện nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay lên tới 145.500 tỉ đồng. Hơn 43% trong số này là đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản; trái phiếu của các tổ chức tín dụng đáo hạn khoảng 20%.

Để triển khai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được triển khai đồng bộ với các nhóm giải pháp từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình tổ chức thị trường, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ thị trường đến tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.

 

Tình hình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021

Triển khai các quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự thay đổi theo hướng tích cực.

Về khối lượng phát hành, tính đến cuối tháng 11/2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng). Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm, trong khi khối lượng phát hành ra công chúng có xu hướng tăng cho thấy đã bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ ra công chúng, góp phần tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro trên thị trường.

Về doanh nghiệp phát hành, trong 9 tháng đầu năm, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ, chiếm 37,9%, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm 30,6%, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng không còn là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường.

Về kỳ hạn và lãi suất phát hành, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 9 tháng đầu năm là 3,87 năm, giảm 0,1 năm so với cùng kỳ năm 2020. Lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 8,02%/năm, giảm 1,38%/năm so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi suất phát hành bình quân của các tổ chức tín dụng là 4,5%/năm, giảm 1,92%/năm so với cùng kỳ năm 2020; lãi suất phát hành bình quân của các doanh nghiệp bất động sản là 10,51%/năm, giảm 0,26%/năm so với cùng kỳ năm 2020.

Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư chính mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp là công ty chứng khoán (chiếm 38,3% khối lượng phát hành), tiếp đến là các ngân hàng thương mại (chiếm 34,4%). Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm 5,4% khối lượng phát hành, giảm so với năm 2020 (12,7%). Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm được giao dịch trên thị trường nên cơ cấu nhà đầu tư sẽ thay đổi trên thị trường thứ cấp.

Thanh Xuân

Bình luận

Nổi bật

Đất nền tỉnh: Diễn biến trái chiều tùy theo từng khu vực

Đất nền tỉnh: Diễn biến trái chiều tùy theo từng khu vực

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:48

Qua những tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, trong đó, đất nền ghi nhận có lượng giao dịch tốt, tuy nhiên lượng giao dịch không đều, có tính khác nhau ở từng địa phương.

Đất nền khu vực này đang được nhà đầu tư “săn lùng”?

Đất nền khu vực này đang được nhà đầu tư “săn lùng”?

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:47

Là tỉnh nằm “sát vách” với TP Hồ Chí Minh, bất động sản Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian gần đây được nhà đầu tư quan tâm rất nhiều, đặc biệt là đối với phân khúc đất nền.

Văn Phú – Invest: Xây chắc nền tảng, hướng tới tương lai

Văn Phú – Invest: Xây chắc nền tảng, hướng tới tương lai

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 13:47

Ngày 24/4/2024, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã tổ chức thành công cuộc họp Đại hội đồng cồ đông thường niên năm 2024. Với mục tiêu giữ vững ổn định, song song với việc tiếp tục phát triển kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai loạt dự án tại các địa bàn mang tính trọng điểm và nằm trong kế hoạch chiến lược tầm nhìn đến năm 2032.