Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 26/08/2016, 21:05 PM

Chào mừng 71 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9: Hừng hực mùa Thu năm ấy ở Sài Gòn

(NTD) - Ngày 31/8/1945 tại Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ, GS. Trần Văn Giàu nhận được điện từ Hà Nội cho biết, vào lúc 2h chiều ngày 2/9, tại Hà Nội, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, đồng bào.

Lòng dân ngóng chờ

Ngày 31/8/1945 tại Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam bộ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ, GS. Trần Văn Giàu nhận được điện từ Hà Nội cho biết, vào lúc 2h chiều ngày 2/9, tại Hà Nội, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân, đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ủy ban Hành chính Lâm thời (UBHCLT) Nam bộ quyết định tổ chức lễ Độc lập tại Sài Gòn vào đúng thời điểm đó để trực tiếp nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Vậy là chỉ sau hơn một ngày chuẩn bị, UBHCLT Nam bộ đã tổ chức được một cuộc mít tinh, diễu hành lớn chưa từng thấy ở Sài Gòn thời gian trước đó. Hàng triệu người dân Sài Gòn và các địa phương lân cận đã tập trung nhiều giờ trên đại lộ Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn) để chờ giờ khai lễ. Cả thành phố tràn ngập màu cờ cách mạng và các khẩu hiệu “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Độc lập hay là chết”, “Đả đảo thực dân Pháp”... viết bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga.

Một sự cố hy hữu đã xảy ra. Thời điểm khai mạc lễ Độc lập ở Hà Nội đã trôi qua 30 phút mà Sài Gòn vẫn không bắt được tín hiệu radio vì thời tiết hôm ấy quá xấu, phương tiện kỹ thuật lạc hậu. Lãnh đạo Ủy ban hội ý nhanh và phân công ông Trần Văn Giàu thay mặt UBHCLT Nam bộ phát biểu trước đồng bào. Đây là vấn đề đột xuất hệ trọng nhưng chỉ sau vài phút suy nghĩ, ông Trần Văn Giàu ghi vội mấy ý chính rồi ứng khẩu bài diễn văn trước hàng triệu người dân Sài Gòn lúc bấy giờ.

Sáng hôm sau, nhiều tờ báo ở Sài Gòn đăng toàn văn hoặc trích đăng bài phát biểu của ông, trong đó có đoạn như: “Việt Nam từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập... Việt Nam đang tiến bước trên con đường sống”. Bài diễn thuyết “ứng tác” nhưng đầy nhiệt huyết của ông Trần Văn Giàu đã nói lên ý chí của nhân dân Nam bộ cùng cả nước quyết trung thành với Chính phủ Trung ương của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc. Bài diễn văn đó đã được đăng lại trên tờ “Điện tín” xuất bản tại Sài Gòn ngày 7/9/1945. Trong đó có viết:

Hôm nay tuân theo mệnh lệnh của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm lễ độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên.

Hôm nay, một lần nữa, chúng tôi biểu dương cho đồng minh, cho thế giới, cho bạn bè và cho kẻ thù cái ý chí cương quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta.

Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi.

Biểu dương ý chí độc lập, nhưng đồng bào chớ lầm tưởng rằng bao nhiêu lực lượng phô trương đây là đủ.

Còn phải phấn đấu nhiều, nhiều hơn nữa.

Còn phải đoàn kết, đoàn kết, đông hơn nữa.

Vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình huống nguy nan, không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ.

Bên trong:

Một số người phản quốc đương kiên cố hàng ngũ, làm hậu thuẫn cho kẻ địch. Chúng nó sẽ bị Tòa án Nhân dân trừng trị thẳng tay; phải trừng trị những bọn bán nước cầu vinh, những bọn gây rối cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gây rối hầu tìm cho phe nghịch một cơ hội xâm lăng đất Việt.

Bên ngoài:

Kẻ nghịch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào. Họ nhảy dù, họ đoạt nhà ga, họ toan qua đèo Lao Bảo; họ đã bị bắt, đã bị đánh lui, nhưng họ chưa chịu đứng yên. Chúng tôi đã bắt được những bằng cớ chắc chắn là họ sẽ dùng võ lực thình lình lật đổ Chính phủ Cộng hòa để đem lại một quan Toàn quyền như thuở trước đây.

Đồng bào!

Ở đây có ai thừa nhận một quan Toàn quyền cai trị xứ ta không?

- Không!

Có ai chịu bó tay cho chế độ thực dân ra mặt hay giấu mặt trở lại không?

- Không!

Thì chúng ta thề, bên Chính phủ, cương quyết chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng.

Hỡi các dân tộc đã chiến đấu cho nhân quyền và dân quyền, chống độc tài phát xít! Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập tự do.

Độc lập tự do của chúng tôi không trái với độc lập tự do cùa bất cứ một nước nào. Anh, Nga, Mỹ, Tàu đã đổ máu; có đổ máu đó, nước Pháp mới được giải phóng; thì có lý nào nhờ máu quý bạn mà nước Pháp lại tròng ách nô lệ lên nước Việt Nam đã được giải phóng rồi?

Từ cựu hoàng đế Bảo Đại đến đám cùng dân, đồng bào chúng tôi đều chán cái ách nô lệ, đều quyết hy sinh cho độc lập và tự do cho đất nước Việt Nam.

Chúng tôi không bạo ngược, không khiêu khích, chúng tôi ôn hòa, cho đến bảo vệ tính mạng và tài sản của những người ngoại quốc. Chúng tôi sẵn sàng kết dây thân ái với tất cả bất cứ một nước nào trên hoàn vũ, miễn nước ấy thừa nhận quyền sống tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam này.

Hỡi người Pháp!

Các anh chớ tưởng tượng rằng dân chúng xứ này trìu mến chế độ xưa; chúng tôi không chịu ách Nhật và cực lực phản đối ách Pháp, dầu ách ấy có sơn son, phết vàng?

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng ký kết với Pháp Cộng hòa Dân chủ những hiệp ước cộng tác với Pháp về kinh tế, văn hóa, luôn về binh bị nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của chúng tôi.

Nhược bằng, trái lại, các anh kể chúng tôi như tôi mọi thì, liên hiệp với dân chúng cách mạng Pháp, chúng tôi thề không chịu nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm dọa hay khiêu khích nào.

Quốc dân! Hãy sẵn sàng chiến đấu.

Đồng bào! Hễ gặp dịp thì hiến thân cho đất nước.

Quét sạch đồ phản quốc, quét sạch ách cường quyền.

Anh chị, chị em, trong lúc Phái bộ đồng minh đến xứ ta, anh chị, chị em chớ để mất thanh danh của một dân tộc đã từng sống vẻ vang.

Đứng lên!

Ngày độc lập tự do bắt đầu từ nay. Tiến lên vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi, không một thành lũy nào ngăn nổi ý chí của muôn dân trên đường giải phóng.

Nhưng có lẽ điều mà mọi người quan tâm lúc này không chỉ là niềm vui chiến thắng, niềm kiêu hãnh là công dân của một nước có tự do, độc lập, mà cần phải tỉnh táo, khôn ngoan và cương quyết đối phó với âm mưu xảo quyết của kẻ thù, một khi chúng chưa chịu rút toàn bộ tàn quân khỏi miền Nam Việt Nam. Có lẽ vì thế mà người đại diện cho nhân dân Sài Gòn lúc bấy giờ đã đọc lời tuyên thệ sắt đá, bày tỏ ý chí, quyết tâm của người dân “Thành đồng Tổ quốc” với những lời lẽ đanh thép, bốn không: 1/ Không đi lính cho Pháp; 2/ Không làm việc cho Pháp; 3/ Không bán lương thực cho Pháp; 4/ Không dẫn đường cho Pháp!

4
Lực lượng vũ trang Nam bộ chuẩn bị bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.
5
Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố GS. Trần Văn Giàu.

Quyết tử: Vì độc lập tự do

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của ngày lễ Độc lập ở Sài Gòn vào ngày 2/9/1945, cố GS.Trần Văn Giàu, người trực tiếp chỉ đạo và diễn thuyết tại Sài Gòn ngày ấy cho rằng, khát vọng độc lập suốt gần 100 năm đã làm cho cả triệu người dân nước Việt Nam kết thành một khối thống nhất, vừa hừng hực khí thế của niềm vui chiến thắng, vừa kiên quyết chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho nền độc lập tự do của đất nước, dân tộc, vì “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”.

Ngay tại buổi lễ Độc lập ấy, ông Trần Văn Giàu hỏi những người dự lễ: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân, ra mặt hay giấu mặt, trở lại không?”. Thế là cả triệu người đồng thanh hô vang: “Không! Không! Không!” khắp một góc trời Nam.

Cuối buổi lễ Độc lập, thực dân Pháp đã gây hấn, cố tình khiêu khích trắng trợn hơn những ngày sau đấy. Việc gì đến, ắt đến. Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày Độc lập, ngày 23/9/1945 nhân dân Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến mùa thu, khởi đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược trên cả nước dưới sự lãnh đạo của Chính phủ một nền độc lập non trẻ. Vậy là “niềm vui ngắn chưa tày gang”, người dân trên một nửa đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến mới theo tiếng gọi thiêng liêng của vị cha già dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc hồi sinh của dân tộc đang bị kẻ thù đe dọa: “Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Chúng tôi đã nắm được bằng cớ chắc chắn là họ toan dùng võ lực thình lình lật đổ chính phủ dân chủ cộng hòa để đặt lại một quan toàn quyền như thuở trước”. Do đó, ông khuyên đồng bào hãy đề cao cảnh giác: “Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”... “Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng ký kết với Cộng hòa Pháp những hiệp ước cộng tác về kinh tế, về văn hóa, luôn về binh bị nữa, nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của chúng tôi. Nhược bằng trái lại, các người kể chúng tôi như tôi mọi thì liên hiệp với dân chúng cách mạng Pháp, chúng tôi thề chết (chứ) không nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm dọa hay khiêu khích nào”.

Thay mặt hàng triệu người dân Nam bộ, ông nói lên quyết tâm bảo vệ tổ quốc: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”... “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng”. Sau bài diễn thuyết ứng khẩu của Chủ tịch UBHCLT Nam bộ Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên thệ “cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”. Thế là từ thời điểm này, Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung đã cùng cả nước đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc kéo dài suốt 30 năm.

Đây cũng là thời điểm ca khúc Tiếng gọi Thanh niên (Thanh niên hành khúc) chính thức ra đời như một hành khúc kêu gọi mọi tầng lớp thanh niên Nam bộ “xếp bút nghiên” lên đường đấu tranh vì độc lập dân tộc. Đã trở thành bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền Phong. Ca khúc này do nhóm Hoàng Mai Lưu sáng tác (Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ cùng một số nhạc sĩ khác), sau này được “chỉnh sửa” đôi chút và đã trở thành quốc ca của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Hiện ca khúc này là ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Một ca khúc nữa đã gắn liền với lịch sử Nam bộ kháng chiến cũng do nhóm Hoàng Mai Lưu sáng tác vào những năm tháng hào hùng này là: Lên đàng, cũng được giới thiệu và trở nên nổi tiếng sau ngày toàn quốc kháng chiến.

3

Hàng vạn người dân xuống đường trong lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn.

2
Sài Gòn sục sôi trong những ngày khởi nghĩa.
Cùng khí thế tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân Pháp, ngày 25/8/1945, UBCHLT Nam bộ đã phát lệnh tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn. Chính quyền thực dân đã nhanh chóng tan rã, trao chính quyền về tay nhân dân. Chiều ngày 2/9, tại quảng trường nhà thờ Đức Bà và trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), hàng vạn người dân các tầng lớp đã dự mít tinh mừng độc lập và lắng nghe lời tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trực tiếp truyền thanh từ Hà Nội. Buổi truyền thanh bị trục trặc kỹ thuật và Chủ tịch UBHCLT Nam bộ, GS Trần Văn Giàu, đã “ứng khẩu” đọc bài diễn thuyết mừng độc lập trước hàng vạn đồng bào. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài diễn thuyết này...

Quốc Định

NTD So 64 (254-258)_Page_04-05
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.