Thứ tư, 24/07/2024, 13:53 PM

Cần pháp lý minh bạch và ổn định để phát triển năng lượng tái tạo

(CL&CS) - Việc phải đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển mà Việt Nam đã cam kết. Việc thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch với Việt Nam là không dễ dàng, bởi việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ USD/năm), nhưng thực hiện ba năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ USD/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ USD/năm) là thách thức lớn. Ảnh minh họa: NT

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ USD/năm), nhưng thực hiện ba năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ USD/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ USD/năm) là thách thức lớn. Ảnh minh họa: NT

Mục tiêu net zero

Việt Nam là một trong số 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu và ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan và lượng mưa thay đổi.

Theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng thế giới từ năm 2022, nền kinh tế Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP hàng năm do tác động của biến đổi khí hậu. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ thích hợp, ước tính tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam vào khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dự báo, trong những năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Chính vì vậy, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý, nhiều doanh nghiệp cũng đã triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện mục tiêu net zero như: PVN, Petrolimex, Vinfast, Vinamilk, TH True Milk…, trong đó riêng Vinfast đặt mục tiêu net zero vào năm 2040. Ngoài ra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống cũng có những hoạt động giảm phát thải khí nhà kính rất tích cực. Các ngân hàng đã tham gia đồng hành với Chính phủ để thực hiện mục tiêu net zero, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh.

"Đây là minh chứng ở các cấp độ khác nhau chúng ta đã có những bước triển khai rất chủ động và tích cực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh, phát triển phát thải cacbon thấp", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định.

Cần những chính sách khuyến khích mang tính đột phá

Việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không phải là điều dễ dàng bởi việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định. Số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ USD/năm), nhưng thực hiện ba năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ USD/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ USD/năm) là thách thức lớn.

Trong khi đó, hạ tầng hệ thống điện hiện chưa đáp ứng được việc tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời và điện gió), gây khó khăn trong vận hành do thiếu các nguồn linh hoạt và hệ thống lưu trữ năng lượng. Ngoài ra, các quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi vẫn còn thiếu, việc thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG còn nhiều vướng mắc. Thị trường điện chậm triển khai, giá điện chưa linh hoạt theo yếu tố đầu vào, công nghệ nhiên liệu xanh như hydrogen và công nghệ thu giữ lưu trữ carbon còn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa thị trường hóa, giá thành lại cao.

Bên cạnh đó, công nghệ - nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao... Ngoài ra, cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo chưa được hoàn thiện. Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu... chưa được ban hành. Các quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt, khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng... cũng chưa có.

Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy việc xây dựng một khung pháp lý minh bạch và ổn định là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Hầu hết các quốc gia tiên phong như Đức, Đan Mạch và Mỹ đã phát triển các khung pháp lý linh hoạt để thúc đẩy việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia. Chính sách hỗ trợ như trợ giá, ưu đãi thuế và các chương trình tài trợ nghiên cứu phát triển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, dù có trữ lượng và tiềm năng lớn, song đến nay, mức độ phát triển của năng lượng tái tạo Việt Nam đang có phần chậm lại. Vì vậy, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có của năng lượng tái tạo, rất cần có những chính sách khuyến khích mang tính đột phá để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam rất cần có những chính sách khuyến khích mang tính đột phá để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, những chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, hydro… sẽ bù đắp nhu cầu thiếu hụt năng lượng trong tương lai, cũng như đáp ứng chiến lược chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để làm được điều này, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai các nguồn chạy điện nền thay thế điện than, đặc biệt là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Để hoàn thiện quy định pháp luật liên quan chuyển đổi năng lượng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo.

Về công tác triển khai, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các bộ, ngành cần hỗ trợ các địa phương thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, thí điểm sớm triển khai dự án điện gió ngoài khơi với cơ chế đặc thù, cũng như tăng cường nguồn điện nền (thay thế điện than) thông qua việc thí điểm áp dụng hợp đồng mua bán điện với một số dự án điện LNG, nghiên cứu thí điểm đầu tư một số cơ sở sản xuất năng lượng mới như hydrogen xanh, amoniac xanh, nhiên liệu sinh học tổng hợp.

Còn theo ông Vũ Hải Lưu, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Giao thông vận tải), ngành giao thông đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Trong giai đoạn 2031-2050, ngành đặt mục tiêu, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 lần lượt ít nhất 40% và 10%. Để đạt các mục tiêu này, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách quy hoạch; chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Biến đổi Khí hậu, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% mức phát thải khí metan

1
 
 

Trên hành trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trước mắt đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% mức phát thải khí metan so với năm 2020; xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê từ năm 2026. Để thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam sẽ tập trung triển khai các giải pháp như phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; chuyển đổi dần điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp sẽ chú trọng đến các giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ; tái sử dụng phế phẩm trồng trọt và chất thải chăn nuôi; nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng để tăng hấp thụ carbon và giảm phát thải; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng để giảm phát thải từ kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng. Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp để đẩy mạnh công tác tái chế chất thải, nước thải; cải tiến phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về tòa nhà xanh, khu đô thị xanh.

Ông Stuart Livesey, thành viên Ban điều hành và Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Thuyết phục doanh nghiệp FDI về môi trường đầu tư an toàn, minh bạch

2
 
 

Năng lượng tái tạo chiếm một thị phần đáng kể trong công suất phát điện tại Việt Nam. Trong thời gian qua, một số quy định quan trọng nhằm thúc đẩy việc phát triển năng lượng tái tạo cũng bắt đầu được thông qua. Tuy nhiên, các chính sách được thông qua vẫn chưa tạo được cảm giác an tâm đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, sản xuất, nhà đầu tư đều hiểu rõ các quy định và biết được khoản đầu tư của họ sẽ đem lại bao nhiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại những yếu tố không rõ ràng, khiến các doanh nghiệp FDI ngần ngại khi đầu tư. Trong khi đó, thị trường năng lượng tái tạo có rất nhiều tiềm năng mà Việt Nam có thể tận dụng khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài dù muốn đầu tư vào đây nhưng yêu cầu rằng điện năng họ sử dụng phải đến từ các nguồn tái tạo. Do đó, Việt Nam cần đem lại sự chắc chắn cho thị trường năng lượng trong nước, thuyết phục các doanh nghiệp FDI rằng đây là một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và được kiểm soát chặt chẽ. Thông điệp trên cần được truyền đạt một cách nhất quán từ các cấp cao nhất của Chính phủ.

Nhận thức được những tác động tiêu cực, khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và thực hiện các biện pháp liên quan nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. Trong đó tập trung vào lĩnh vực năng lượng, cụ thể như: Nghị quyết số 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị; các Quyết định Thủ tướng Chính phủ số 896/QĐ-TTg năm 2022, Quyết định số 888/QĐ-TTg; Quyết định số 893/QĐ-TTg...

Mới đây nhất, tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8), Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng. Theo đó, Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu đảm bảo năng lượng tái tạo chiếm 15-20% nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030; đến 2050 đảm bảo 80-85% năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng cung cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng

sự kiện🞄Thứ sáu, 08/11/2024, 08:11

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 07/11/2024, 08:31

(CL&CS) - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy một số tín hiệu tích cực như: tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 647,48 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3%...

Giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh vùng Đông Nam bộ

Giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh vùng Đông Nam bộ

sự kiện🞄Thứ ba, 05/11/2024, 14:22

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 4/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.