Thứ sáu, 28/10/2022, 08:18 AM

Cải cách tiền lương chỉ thực sự giá trị khi thực hiện thành công bình ổn giá thị trường

Tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng. Tính từ đầu năm 2020 đến nay đã có hơn 39,5 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích trong ngày thảo luận đầu tiên ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Các đại biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lâm Hiển

Theo số liệu tổng hợp của UBND 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành Trung ương từ ngày 1.1.2020 đến 30.6.2022, thì tổng số công chức, viên chức thôi việc là 39.550, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức, trong đó công chức là 4.029 người, chiếm 10% tổng số công chức, viên chức thôi việc và viên chức là 35.532 người, chiếm 90%. Số cán bộ, công chức, viên chức thôi việc tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế, trong đó viên chức sự nghiệp giáo dục là 16.424 người, bằng 41,53%, viên chức sự nghiệp y tế là 12.198 người, bằng 30,84%.

Nguyên nhân chủ yếu, như phân tích của ĐBQH Thái Thu Xương (Hậu Giang), là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ y tế phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Đối với viên chức ngành giáo dục, nguyên nhân là do bối cảnh dịch bệnh buộc giáo viên phải thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến, dẫn đến áp lực công việc quá lớn. Trong khi đó, sự quan tâm đối với hai lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra.

Khẳng định nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc liên quan đến tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc và đây là một trong những vấn đề đặt ra cho quản trị của Chính phủ, song theo ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum), "nếu coi đây là căn nguyên duy nhất của vấn đề thì có lẽ cũng chưa hẳn là như thế". Bởi, có nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc không phải chỉ vì thu nhập thấp mà còn có nguyên nhân khác, bởi áp lực của công việc quá lớn. Đối với nhiều người trẻ, họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là một việc làm, một chỗ ngồi ổn định trong khu vực công… Với những căn nguyên như vậy, đại biểu Tô Văn Tám nhìn nhận hiện tượng chuyển dịch lao động giữa khu vực công và khu vực tư “vừa là thách thức, vừa là cơ hội” để Chính phủ đánh giá và hoàn thiện hoạt động quản trị của mình.

Ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động thì thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân. Thực tế, lần tăng lương cơ sở gần nhất là ngày 1.7.2019 và do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch Covid-19, nên mức lương cơ sở vẫn giữ nguyên cho đến nay. Do vậy, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, bởi ước tính để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở, khoản chi mà Chính phủ phải cân đối đã phải dành tới 44.000 tỷ đồng. Vừa tạm yên đại dịch, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách - đây là điều rất đáng trân trọng, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) khẳng định.

Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn, cũng là để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp, từ ý kiến của rất nhiều cử tri, nhiều đại biểu cùng chung kiến nghị: Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện tăng lương cơ sở “càng sớm càng tốt” và thực hiện ngay từ đầu năm tới, ngày 1.1.2023, thay vì từ 1.7.2023 như đề xuất của Chính phủ. “Chắc chắn rằng, đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương... Cử tri đang rất trông mong đề xuất này được Quốc hội và Chính phủ chấp nhận”, đại biểu Nguyễn Huy Thái cho biết.

Tăng lương cơ sở là tín hiệu đáng mừng, nhưng liệu rằng việc tăng lương này có “giữ chân” được công chức, viên chức trong khu vực công hay không? Thực tế, nếu phương án lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng như đề xuất của Chính phủ được chấp thuận, thì tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức, người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Mức lương cơ sở tăng tuy rất quý ở thời điểm hiện tại, nhưng thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương của khu vực công và khu vực tư, giữa khu vực nhà nước và ngoài thị trường.

Vì thế, giải pháp căn cơ, như phân tích của nhiều đại biểu, đó là phải đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương. Nói cách khác, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là giải pháp cơ bản, cùng với những giải pháp căn cơ khác để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc, chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư.

Cũng liên quan đến câu chuyện tăng lương, một nghịch lý không mới nhưng dường như “vẫn còn nguyên tính thời sự” được nhiều đại biểu chỉ ra, đó là lương chưa tăng, thậm chí mới rục rịch tăng, thì giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… đã “nhanh chân chạy trước” và “tăng liên tục”. Như “tổng kết” của đại biểu Nguyễn Huy Thái, thì “lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường, giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng... - tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động, chen chân và chi phối từng bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình họ”.

Do đó, để giải quyết rốt ráo gốc rễ vấn đề, như đề xuất của nhiều đại biểu, việc tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế được lạm phát ở mức cho phép, tránh tình trạng “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”.

Anh Phương ( Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

Tiêu chuẩn về dữ liệu sức khỏe - tăng cường khả năng tương tác giữa các hệ thống y tế trên toàn cầu

Tiêu chuẩn về dữ liệu sức khỏe - tăng cường khả năng tương tác giữa các hệ thống y tế trên toàn cầu

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:09

(CL&CS) - Giống như nhiều lĩnh vực khác, ngành chăm sóc sức khỏe đang ngày càng hướng tới việc ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Tầm quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế ISO với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Tầm quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế ISO với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS) - Chứng nhận ISO đem đến sản phẩm chất lượng cho người dùng, an toàn cho người lao động và cả môi trường sống của con người. Đối với doanh nghiệp đạt được chứng nhận ISO, nó mang lại nhiều lợi ích và cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Kết cấu thanh trong khung thép không chịu lực theo TCVN 13604:2023

Kết cấu thanh trong khung thép không chịu lực theo TCVN 13604:2023

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:06

(CL&CS) - Để đảm bảo công trình được bền vững, sử dụng an toàn thì trong quá trình thi công, lắp đặt các thanh trong khung thép không chịu lực nên đảm bảo theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13604:2023.