Thứ tư, 16/08/2023, 13:53 PM

Bộ trưởng GD&ĐT: Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục

(CL&CS) - Phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục..., Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành, đó là thông tin mà Bộ trưởng GD&ĐT chia sẻ trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành vào ngày 15/8.

Phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp

Lực lượng nhà giáo trên cả nước hiện có gần 1,6 triệu, ở các cấp học mầm non, phổ thông, thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác.

1-8865

Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp.

Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo” - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định

“Có những việc đã làm được, chưa làm được, có thể không làm được, nhưng trong suy nghĩ, tình cảm và hành động của tôi và các đồng nghiệp, các cán bộ quản lý ở Bộ thì luôn luôn đau đáu. Tại các diễn đàn lớn nhỏ, có cơ hội là chúng tôi bày tỏ các kiến nghị để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho nhà giáo”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Gửi tới giáo viên cả nước những mong mỏi, Bộ trưởng nhắc tới đầu tiên là “Chúng ta cần thực hiện thật tốt chương trình giáo dục 2018. Cần coi đây là cơ hội, là phương thức để chúng ta đổi mới toàn diện. Thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất”.

Lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới

Nhấn mạnh “những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới”, Bộ trưởng cho rằng: Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. “Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”.

Cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.

Một điểm quan trọng, nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Trong giai đoạn trước sách giáo khoa là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. Chúng ta bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào sách giáo khoa. Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, sách giáo khoa là học liệu - cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc – đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta.

Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng. Qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào sách giáo khoa. Thay đổi cần diễn ra từng bước, dần dần, không thể yêu cầu một sớm một chiều được.

Giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn – cần được phát huy. Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá – điều này vốn chưa từng có trước đây…

“Với trường học mang tính mở, cần tham gia cùng nhà trường xây dựng kế hoạch nhà trường, quyết định lựa chọn sách giáo khoa… Việc này dường như các trường ngoài công lập đang làm tốt hơn các trường công lập” – Bộ trưởng đưa ra nhận xét.

Nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng - người đứng đầu trường phổ thông, người chỉ huy, người chủ đạo việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ngôi trường đó đổi mới được.

“Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ”, Bộ trưởng cho biết. Rất nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc rất nhiệt huyết, làm tốt nhưng cũng có một phần không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán…, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới”.

Từ góc độ truyền thông để phụ huynh, xã hội chia sẻ,  thấu hiểu với ngành, Bộ trưởng mong rằng, 1,6 triệu nhà giáo cần nói được công việc mà mình đang làm, cần thể hiện được những gì đã cố gắng, nói thật rõ những gì đang vướng, những gì cần chia sẻ. “Với các xấu trong nội bộ chúng ta có thể lên tiếng để chống, với các tốt, cái được trong ngành chúng ta cần nói rõ. 1,6 triệu người nói sẽ có hiệu quả hơn là riêng Bộ trưởng nói”.

Bộ GD&ĐT cho biết, trước đó đã tiếp nhận hơn 6.500 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục ĐH.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình GDPT 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Thí sinh chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024

Thí sinh chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 15:39

(CL&CS)- Hôm nay (2/5), học sinh học lớp 12 năm học 2023 - 2024 khắp cả nước chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT.

Ngày 2/5, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT năm 2024

Ngày 2/5, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi THPT năm 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 14:22

(CL&CS) - Từ hôm nay, ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5/2024, cổng đăng ký trực tuyến Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 bắt đầu mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi chính thức.

Bộ GD&ĐT: Triển khai Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường

Bộ GD&ĐT: Triển khai Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:59

(CL&CS) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ về việc triển khai Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm.