Thứ năm, 10/08/2023, 11:27 AM

Bộ tiêu chí “Sản xuất tại Việt Nam” 5 năm chưa thể ban hành

(CL&CS) - Liên quan đến việc xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, từ khi Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, cho đến nay sau 5 năm vẫn chưa thể ban hành.

Doanh nghiệp đang thực hiện xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc của Nghị định 111/2021/NĐ-CP.

Doanh nghiệp đang thực hiện xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc của Nghị định 111/2021/NĐ-CP.

Trong báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương nêu hàng loạt vướng mắc và giải thích vì sao đến nay, sau 5 năm vẫn chưa thể đưa ra quy định, điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam hay sản phẩm của Việt Nam với hàng hóa lưu thông trong nước.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, nhận thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp xác định và thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” cho hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trì xây dựng quy định “sản xuất tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, đến năm 2019, khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành nội dung thông tư thì phát sinh các chính sách vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương. Vì vậy, Bộ Công Thương đã xin chuyển hướng sang xây dựng nghị định.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Theo đó nội dung về cách ghi nhãn hàng hóa được đưa vào văn bản này. Tức là nội dung chính sách về cách ghi nhãn hàng hóa dự kiến quy định trong Nghị định “sản xuất tại Việt Nam” đã được đưa vào Nghị định 111/2021/NĐ-CP.

Như vậy quy định “sản xuất tại Việt Nam” sẽ chỉ tập trung vào việc đưa ra bộ tiêu chí xuất xứ để xác định hàng sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. Việc xây dựng văn bản “sản xuất tại Việt Nam” ở cấp nghị định, theo đánh giá của Bộ Công Thương, lúc này không còn cần thiết.

Đồng thời, do đây là quy định mới, phạm vi rộng, Bộ Công Thương đã kiến nghị ban hành ở cấp thông tư để có thể linh hoạt hơn khi cần điều chỉnh chính sách phù hợp với nhu cầu và tác động của thực tiễn.

Tháng 5/2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công Thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp thông tư, thay vì nghị định. Song những vướng mắc về thẩm quyền ban hành lại “vênh” với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng lý giải việc chậm trễ là do việc ban hành thông tư với nội dung quy định quản lý về hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” sẽ chặt chẽ hơn so với hành lang pháp lý hiện có đối với hàng hóa lưu thông trong nước. Trên cơ sở căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, vững chắc nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp.

Bộ giải thích, về lý thuyết, quy định của Thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" với hàng hóa của mình (nghĩa là hàng hóa nào muốn dán nhãn này thì mới bị điều chỉnh). Trường hợp hàng không ghi xuất xứ Việt Nam, sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.

Tuy nhiên, theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định “xuất xứ hàng hóa” là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Như vậy, trừ hàng hóa xuất xứ từ nước ngoài, mọi hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định, tiêu chí nếu ban hành Thông tư “sản xuất tại Việt Nam”. Phạm vi tác động của thông tư nếu được ban hành, sẽ rất lớn.

Cơ quan này cũng cho biết, thực tế hiện nay, khi thông tư chưa được ban hành, doanh nghiệp vẫn đang thực hiện xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc của Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Cùng với đó, kể từ năm 2018 sau khi báo cáo về việc xây dựng quy định sản xuất tại Việt Nam, Bộ Công Thương chỉ nhận được một số văn bản của 16 doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn xác định hàng hóa có được phép dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam hay không. Đồng thời, sau khi được hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP, các doanh nghiệp này không có phản ánh về việc gặp khó khăn hay vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, Bộ Công Thương cho hay việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. Cơ quan này sẽ cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Chiều 24/4 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

Trông giữ xe không dùng tiền mặt

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Hà Nội vừa chính thức triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm trông giữ xe ở quận Hoàn Kiếm. Đây là một nội dung nhằm triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 09:28

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.