Thứ năm, 03/08/2023, 19:40 PM

Bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng mạng xã hội

(CL&CS)- Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đề xuất bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng mạng xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. 

So với quy định hiện hành, Dự thảo bổ sung quy định về xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội (MXH) qua số điện thoại di động tại Việt Nam; không cấp phép dòng game bài giải trí; trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp thông tin trên mạng, gồm: (i) ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; (ii) khóa tài khoản, trang/nhóm cộng đồng, kênh nội dung; (iii) cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu; (iv) bảo vệ quyền lợi người dùng MXH; (v) quản lý livestream… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin, trò chơi điện tử trên mạng, an toàn thông tin mạng.

2-1

Bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo tờ trình về dự thảo nghị định thay thế (do Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì xây dựng), tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng nên để đảm bảo hiệu quả quản lý mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng, cơ quan soạn thảo thấy cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.

“Quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước”, cơ quan soạn thảo nhận định.

Cũng theo dự thảo tờ trình, game bài giải trí là trò chơi điện tử trên mạng không đổi thưởng, có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài. Qua thực tiễn công tác quản lý thời gian qua, cơ quan soạn thảo nhận thấy dòng game bài giải trí dù cấm đổi thưởng vẫn rất dễ bị lợi dụng, biến tướng thành cờ bạc, đổi thưởng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tác động xấu đến thế hệ trẻ, trong khi các giải pháp quản lý hiện tại chưa bảo đảm khả năng giám sát hiệu quả việc biến tướng thành hoạt động cờ bạc bên ngoài game. Vì vậy, từ năm 2010 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã duy trì chủ trương tạm dừng cấp phép đối với dòng game bài giải trí (không đổi thưởng).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các quy định về việc dừng hẳn cấp phép dòng game bài giải trí. Vì vậy, trong dự thảo nghị định thay thế, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định: không cấp phép đối với trò chơi điện tử trên mạng có nội dung, kịch bản mô phỏng các trò chơi có thưởng trong các cơ sở kinh doanh casino, các trò chơi sử dụng hình ảnh lá bài. Tuy nhiên, dự thảo nghị định thay thế đã đơn giản hóa điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.

Dự thảo nghị định thay thế cũng bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, bổ sung quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia. Theo cơ quan soạn thảo, “quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay”.

Qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay, trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream” là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực. Thực tế cho thấy, đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này, bao gồm:

Chỉ các mạng xã hội có giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream). Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Hiện nay, trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube, Tiktok đang tồn tại nhiều tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoạn; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng và đảm bảo quy định được thực hiện công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Cụ thể, mạng xã hội phải công khai mô tả quy trình, phương thức phân phối nội dung trên nền tảng của mình để người dùng được biết và cân nhắc sử dụng (đây là một trong những tính năng của sản phẩm, các mạng xã hội cần phải minh bạch hóa tính năng sản phẩm khi cung cấp đến người dùng). Mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng. Tiếp đó là bổ sung quy định bảo vệ trẻ em khi sử dụng mạng xã hội.

Dự thảo nghị định thay thế bổ sung quy định các mạng xã hội phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng. Trong khi đó, dự thảo nghị định thay thế không quy định nội dung liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP để chuyển sang dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) và nghị định mới hướng dẫn Luật Viễn thông.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

'3 tăng cường', '5 đẩy mạnh' trong chuyển đổi số

'3 tăng cường', '5 đẩy mạnh' trong chuyển đổi số

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:28

(CL&CS)- Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 203/TB-VPCP ngày 6/5/2024 thông báo kết luận Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:25

(CL&CS) - Các bộ, ngành và các địa phương có biển sớm hoàn thiện, triển khai quy hoạch liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính liên kết trong việc phát triển các ngành kinh tế nói chung với phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Tiền Giang: Chung tay giúp người dân địa phương tiếp cận và hội nhập quá trình chuyển đổi số

Tiền Giang: Chung tay giúp người dân địa phương tiếp cận và hội nhập quá trình chuyển đổi số

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 09:25

(CL&CS) - Chung tay cùng địa phương thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Đội Thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng (TNTNCĐSCĐ) phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều công trình, phần việc gắn với các nội dung trên và đạt nhiều kết quả nổi bật.