Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hong Kong tăng trưởng hai con số trong quý 3

(CL&CS) - VASEP nhận định, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.

Trong quý 3, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hong Kong đạt hơn 173 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. (Ảnh: VASEP)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 3, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hong Kong đạt hơn 173 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là quý tăng trưởng dương đầu tiên trong 9 tháng năm nay.

Trước đó, quý 1 và quý 2, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm lần lượt 31% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong đạt 454 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 6,7 và 8, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc & HK tăng trưởng dương. Sau quý 2, thị trường Trung Quốc tăng nhu cầu nhập khẩu tôm do thị trường ổn định sau những hạn chế phòng dịch Covid-19. Quý đầu năm nay, Ecuador tăng mạnh xuất hàng sang Trung Quốc nên giai đoạn sau quý 2, nguồn hàng từ Ecuador sang Trung Quốc giảm bớt, nên Trung Quốc tăng nhập từ Việt Nam.

Tuy nhiên bước sang tháng 9, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đảo chiều, giảm 13%.

Theo VASEP, nguyên nhân là do sau kỳ nghỉ lễ dài gồm tết Trung thu và ngày Quốc khánh ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ghi nhận giảm mạnh. Tồn kho cao do trước đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm từ Ecuador. Các công ty nắm hàng tồn kho, không muốn giảm giá bán để giải phóng hàng. Sự kiện xả nước thải hạt nhân từ Nhật Bản cũng được cho là có ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung trong đó có tôm tại thị trường Trung Quốc.

9 tháng năm 2023, bình quân giá tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc dao động 4,9-7,9 USD/kg. Trong khi, giá tôm sú đông lạnh xuất sang thị trường này khoảng 8,2-13,8 USD/kg.

VASEP nhận định, giá mua của các nhà nhập khẩu Trung Quốc khá thấp do có nhiều nguồn cung nhắm tới thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.

Thị trường tôm Trung Quốc gồm hai phân khúc riêng. Một loại dành cho tôm sống, chủ yếu tiêu thụ tại chợ dân sinh ở Trung Quốc. Còn lại là thị trường tôm đông lạnh nguyên con, tôm giá trị gia tăng, tiêu thụ qua nhà phân phối, dịch vụ thực phẩm, thương mại điện tử và kênh bán lẻ.

Các chuyên gia cho rằng tôm nhập khẩu hay nội địa đều có cơ hội phát triển ở hai phân khúc trên, miễn là nền kinh tế Trung Quốc phục hồi ổn định và tài chính của người tiêu dùng cải thiện.

VASEP thông tin, Chính phủ Trung Quốc đang kích cầu tiêu thụ tôm ở thành phố cấp 2 và cấp 3, tạo cơ hội cho tôm tươi sống nội địa mở rộng khách hàng. Người tiêu dùng Trung Quốc khá chuộng tôm tươi sống và sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm này.

Chuyên gia khuyến cáo các nhà cung cấp nước ngoài đặt mục tiêu phát triển thị trường tôm đông lạnh nguyên con và tôm giá trị gia tăng, thay vì cạnh tranh với tôm nội địa Trung Quốc trong phân khúc sản phẩm tươi sống.

TIN LIÊN QUAN