Ảnh: Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới |
Kim ngạch xuất khẩu của ngành đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới. Với kim ngạch này, đồ gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ tăng bình quân khoảng 13%/năm kể từ 2010. Hiện gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Năm 2018, ngành gỗ kì vọng xuất khẩu đạt kim ngạch 9 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), gỗ cao su và các mặt hàng đồ gỗ được làm từ gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, nguồn gốc pháp lý rõ ràng rất quan trọng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa. Bình quân mỗi năm, gỗ và các mặt hàng làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch 1,7-1,8 tỉ USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.
Cũng chính vì xuất khẩu tăng nên ngành gỗ đang rất thiếu nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu.
VIFORES ước tính, xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng thêm 1 tỷ USD thì nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng thêm khoảng 3,5 triệu m3. Trong khi đó, gỗ trong nước, gỗ rừng trồng chỉ khoảng 10-15% đạt yêu cầu. Mỗi năm, trong nước khai thác khoảng 18-19 triệu m3 gỗ, nhưng chỉ có 2-3 triệu m3 làm đồ gỗ, còn lại là dăm, các loại ván nhân tạo.
Để giải bài toán nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến xuất khẩu, theo đề xuất của Vifores, Nhà nước nên hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô, điển hình là dăm mảnh để lấy gỗ đó làm việc khác. Đồng thời, phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước như gỗ cao su, gỗ vườn nhà, gỗ cây ăn trái.
Dương Nguyễn