Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 7/2022 đã tăng trưởng chậm lại với giá trị xuất khẩu đạt hơn 85 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong 7 tháng đầu năm 2022 lên 638 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.
Dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường trong tháng 7 có nhiều biến động. Tác động từ giá cá ngừ nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với biến động tỷ giá trên thị trường thế giới đã khiến cho xuất khẩu cá ngừ gặp không ít khó khăn.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 7, đạt 38 triệu USD, tăng 34% so với tháng 7/2021. Con số này góp phần nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm lên gần 339 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo VASEP, lạm phát cao tiếp tục tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ giá rẻ của Mỹ. Nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp mã HS16 của Mỹ đã tăng trở lại trong 3 tháng qua, nhất là các sản phẩm loin (phần thịt thăn dọc sống lưng) cá ngừ hấp đông lạnh - nguyên liệu để chế biến cá ngừ đóng hộp.
Sau khi sụt giảm liên tục trong quý 2/2022, xuất khẩu cá ngừ sang EU đã tăng trở lại trong tháng 7. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường EU trong tháng 7 đã tăng 16%, đạt hơn 14 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2022 lên gần 92 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đức, Bỉ và Hà Lan tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối thị trường này. Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu sang Bỉ và Hà Lan trong tháng 7/2022 tăng lần lượt là 130% và 1% so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu sang Đức tiếp tục sụt giảm.
Giá năng lượng tiếp tục tăng nhanh trên khắp Châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sang khu vực này. Điều này đã kéo theo chi phí thực phẩm tại đây tăng cao hơn, đang gây tổn hại cho người tiêu dùng và có khả năng đẩy nhanh sự kết thúc giai đoạn bùng nổ chi tiêu. Hoạt động xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ sang Châu Âu sẽ gặp phải sự tác động đa chiều.
Cũng theo VASEP, nhiều doanh nghiệp đang rất lo ngại khi tăng đơn hàng tại thị trường này, bởi thu hồi đồng euro và quy đổi sẽ mất đi giá trị, từ đó ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm từ nay cho đến cuối năm 2022.
Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng nhanh hơn so với tháng 6/2022. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sang Canada trong tháng này tăng phi mã: 234% so với cùng kỳ, đạt gần 6 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản cũng tiếp tục đà tăng trưởng.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Mexico và Chile lại đảo chiều giảm trong tháng 7/2022, lần lượt là 15% và 34%.
Hiện tại, lệnh cấm sử dụng thiết bị dẫn dụ cá (FADs) tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) đang khiến lượng cá ngừ cập cảng tại khu vực này giảm, đẩy giá lên cao. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu của các doanh nghiệp đang tăng do phải chuẩn bị để đáp ứng các đơn hàng từ các thị trường tăng lên vào dịp cuối năm. Điều này dự kiến sẽ khiến cho các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí sản xuất gia tăng.
Bên cạnh đó, lạm phát tại các nước vẫn chưa thể kiểm soát. Điều kiện tài chính thắt chặt hơn chắc chắn khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu ở hầu hết hoặc tất cả các lĩnh vực kinh tế. Khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm, giá của chúng cũng có xu hướng giảm. Tất cả những điều này, dự kiến sẽ tiếp tục kìm hãm sự gia tăng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng cuối năm.