Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 320,1 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu sang thị trường này đạt 15,5 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ. Tính tới 15/8/2021, xuất khẩu tôm Việt nam sang EU đạt 335,7 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tốt, chỉ sau thị trường Mỹ. Từ đầu năm đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang EU duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số. Nửa đầu tháng 8, xuất khẩu sang EU bắt đầu giảm mạnh. Nguyên nhân là do lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại nhiều tỉnh ĐBSCL để chống dịch Covid, đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp tại địa phương.
Đức, Hà Lan và Bỉ là 3 thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất trong khối EU. Nửa đầu tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang 3 thị trường này giảm từ 44-62% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng từ những tháng trước đó, nên xuất khẩu sang 3 thị trường này tính tới 15/8 năm nay vẫn tăng từ 7%-32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang EU những sản phẩm như tôm sú PD hấp đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ HLSO tươi đông lạnh, tôm thẻ Nobashi đông lạnh, tôm thẻ chân trắng, lột vỏ, luộc sushi đông lạnh, tôm sú tươi PD đông lạnh, tôm thẻ sushi luộc đông lạnh, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu PTO, tươi đông lạnh, tôm sú PD đông lạnh, tôm sắt luộc đông lạnh IQF, tôm thẻ PTO luộc cấp đông, tôm chân trắng PD,IQF tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm vị xiên que…
So với các khu vực khác, các nhà cung cấp châu Á, gồm Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Indonesia… chiếm thị phần cao nhất tại thị trường tôm EU. Trước năm 2019, Ấn Độ luôn dẫn đầu, tiếp đó là Việt Nam và Bangladesh, Indonesia. Đến năm 2020, Việt Nam trở thành nguồn cung tôm tại châu Á lớn nhất cho EU, tiếp đó là Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia.
Năm 2020, nhập khẩu tôm của EU từ Việt Nam đạt 28.366 tấn, tăng từ 27.740 tấn của năm 2019; nhập khẩu vào EU từ Ấn Độ giảm xuống còn 26.207 tấn từ 29.035 tấn của năm 2019. Ấn Độ chưa thể thuyết phục hoàn toàn được khách hàng châu Âu về vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm. Do vậy, Ấn Độ đã mất vị trí số 1 về cung cấp tôm bóc vỏ và tôm nguyên liệu cho châu Âu. Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm hấp và tôm giá trị gia tăng lớn nhất cho EU.
Nhưng hiện tại, Ecuador đang nổi lên là một đối thủ cạnh tranh mạnh với các nguồn cung tôm từ châu Á, trong đó có Việt Nam. Ecuador có lợi thế giá tôm thấp và vận chuyển dễ dàng. Hai năm gần đây, Ecuador thâm nhập thị trường châu Âu bằng các sản phẩm từ tôm bóc vỏ, bỏ chỉ lưng, tôm bóc vỏ bỏ chỉ lưng để đuôi đến các sản phẩm tôm sống và tôm hấp. Các sản phẩm này đều được nuôi tại các trại nuôi được chứng nhận ASC. Ecuador lên kế hoạch định vị sản phẩm tôm chất lượng cao, bền vững tại thị trường châu Âu.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu tôm của EU vẫn cao để phục vụ Noel, thị trường này đang dần mở cửa và vaccine đã được tiêm diện rộng.
Nhu cầu thị trường tốt tuy nhiên việc làm sao để doanh nghiệp được hoạt động tối đa công suất vẫn rất cần chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân và các địa phương có quy định cụ thể, linh hoạt hơn trong công tác phòng chống dịch Covid để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất.