Xoài An Giang chinh phục thị trường thế giới nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật

(CL&CS) - Các vùng trồng xoài An Giang ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất đã và đang hướng đến tiêu chuẩn chất lượng để chinh phục nhiều thị trường thế giới.

Hiện An Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng lúa và sản xuất cá tra. Ngoài ra, đây cũng là một trong những tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất rau màu, hoa quả các loại. Trong số đó, cây xoài được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, được tỉnh An Giang định hướng chuyển đổi mạnh mẽ bước đầu đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Hiện diện tích trồng cây ăn trái toàn tỉnh An Giang đạt 19.700 ha, diện tích xoài chiếm gần 12.633 ha và cho sản lượng hơn 225 ngàn tấn/năm.

Mặc dù xoài An Giang đa dạng về giống, trong đó một số loại xoài đặc biệt thơm ngon như: xoài keo, xoài hạt lép; thế nhưng xoài này lại chủ yếu tiêu thụ nội địa, số lượng xuất khẩu lại rất khiêm tốn. Mấy năm trở lại đây, các vùng trồng xoài của địa phương đã và đang hướng đến tiêu chuẩn chất lượng, liên kết trong sản xuất… để chinh phục nhiều thị trường trên thế giới.

Huyện An Phú, địa phương có diện tích trồng xoài lớn thứ 2 tỉnh An Giang, với diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đạt trên 600 ha, trong đó có hơn 60 mã số vùng trồng và có vùng trồng xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích hơn 360 ha.

Ông Huỳnh Thanh Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Bình, một trong những HTX sản xuất xoài Keo lớn nhất huyện An Phú cho biết: HTX có khoảng 90ha diện tích liên kết trồng xoài Keo trên địa bàn huyện An Phú. Các nông dân tham gia liên kết với HTX đều tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, đảm bảo trái xoài không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất cấm, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu.

Xoài An Giang chinh phục thị trường thế giới nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất

“Trong hoạt động sản xuất, chúng tôi luôn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật. Hiện giờ chúng tôi đang ứng dụng mô hình phun mưa cục bộ; sử dụng các loại phân bón hữu cơ, giảm các loại thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng tưới nhỏ giọt và sử dụng nước sông… nhằm giảm thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng người tiêu dùng trong nước cũng như ngoài nước.

Còn đối với huyện Chợ Mới, địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh An Giang, với tổng diện tích khoảng 6.500 ha các loại xoài như: xoài tượng da xanh, xoài hạt lép, xoài cát Hòa Lộc… trong đó xoài tượng da xanh là hơn 4.200 ha. Cây xoài tượng da xanh được nông dân trồng vào 2001. Năm 2009, được phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, ông Cù Minh Trọng, chia sẻ: "Nhờ sự tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, hiện nay diện tích xoài được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đạt 854,64ha, với 56 mã số vùng trồng, trên tổng diện tích gần 6.300ha, sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Úc. Huyện đang đề xuất cấp mới 13 mã số vùng trồng xoài để xuất khẩu, với diện tích hơn 1.652ha. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm xoài, việc liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh và huyện Chợ Mới trong việc thúc đẩy và tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm suốt những năm qua".

Trong hoạt động sản xuất xoài xuất khẩu, ngoài việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, bà con nông dân còn thúc đẩy mạnh mẽ việc liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa tổ chức nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp; sản xuất theo đúng quy trình, kỹ thuật, theo yêu cầu doanh nghiệp liên kết.

Để xoài An Giang chinh phục thị trường thế giới, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang bày tỏ, ngành nông nghiệp tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, phát triển liên kết chuỗi giá trị bền vững để phục vụ xuất khẩu. Trên diện tích vùng sản xuất xoài hiện có, tỉnh đẩy nhanh tiến độ cấp mã số các vùng trồng còn lại để tăng sản lượng xuất khẩu.

Để nâng chất lượng xoài xuất khẩu, ông Lâm cho biết, tỉnh sẽ mời gọi các công ty doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài; vận động nhà vườn tham gia vào kinh tế tập thể; củng cố các hợp tác xã xoài, đặc biệt là hợp tác xã được công nhận GlobalGAP đi vào hoạt động đạt hiệu quả.

Việc phát triển vùng xoài chất lượng cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu bền vững, bước đầu khẳng định vị thế trái xoài An Giang trên thị trường quốc tế khó tính. Đây là bước ngoặt, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp địa phương, không chỉ mang lại cơ hội kinh tế lớn mà còn giúp thúc đẩy hình ảnh và uy tín của nông sản địa phương trên thị trường quốc tế.

TIN LIÊN QUAN