Xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt với kinh doanh game online

(CL&CS) - Theo các chuyên gia, việc áp tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh game online là cần thiết, tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này cần cân nhắc nhiều yếu tố.

Theo đó, tại Tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ game online. Bộ Tài chính cho rằng, loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.

Ảnh minh hoạ.

Dịch vụ kinh doanh game hiện có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng: “Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này”.

Xung quanh đề xuất này, có nhiều quan điểm ủng hộ nhưng cũng có những ý kiến trái chiều. Trong đó quan điểm ủng hộ cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết bởi đây là biện pháp hạn chế dịch vụ nội dung trò chơi không khuyến khích đối với đối tượng chơi đa phần là người trẻ. Nhiều loại game có tính chất gây nghiện, game bạo lực và nhập vai tác động ghê gớm đối với đời sống xã hội. Bên cạnh các biện pháp quản lý của ngành văn hoá, việc quản lý, điều tiết sử dụng dịch vụ là xu hướng tốt, một số nước đang làm để giảm tác động đối với xã hội.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, nhiều loại game online là trò chơi thường thức, giáo dục, khoa học và rèn luyện trí tuệ. Vì vậy, việc đánh thuế cần khu biệt, sàng lọc để loại trừ các trò chơi có ích, không độc hại.

Tổng cục Thuế cho biết: Thời gian qua, đã phát hiện một số doanh nghiệp được cấp phép phát hành game, nhưng đơn vị tải game lên các kho ứng dụng trực tuyến lại là doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân người chơi tại hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, không kết nối thanh toán với hệ thống thanh toán hợp pháp của Việt Nam.

Sau khi phát hiện vi phạm, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm hành chính; cũng đã phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông xem xét thu hồi giấy phép.

Thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho thấy, ngành kinh doanh trò chơi tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, ước có gần 28,5 triệu người chơi. Năm 2021, tổng doanh thu từ thị trường game Việt đạt khoảng 665 triệu USD, xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á. Doanh thu các trò chơi sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD/năm.

Được biết, vào năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 130/BTTTT-VP thông tin: Từ đầu năm 2020 đến hết năm 2021: Bộ TT&TT đã xử phạt vi phạm hành chính 07 trường hợp liên quan đến cung cấp trò chơi điện tử trên mạng với số tiền là 405.000.000 VNĐ. Các hành vi vi phạm bao gồm: Cập nhật, nâng cấp phiên bản mới có thay đổi, bổ sung nội dung kịch bản; không đúng với nội dung kịch bản trò chơi điện tử đã được phê duyệt.

Năm 2021, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ chặn, gỡ 253 website cung cấp trò chơi điện tử không phép, trò chơi điện tử đánh bài đổi thưởng. Ngoài ra, Bộ TT&TT đã gửi yêu cầu và Apple đã chặn, gỡ 27 trò chơi điện tử không phép, cờ bạc và vi phạm bản quyền, Google chặn, gỡ 96 trò chơi điện tử không phép, cờ bạc trên các kho ứng dụng.

TIN LIÊN QUAN