Bài này mong muốn các doanh nghiệp không vì dịch Covid-19 mà bỏ qua hoặc lơ là với những công việc liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại, để tránh gặp những rủi ro đáng tiếc. Đồng cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục duy trì áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến để duy trị năng lực và vị thế của doanh nghiệp.
Thương mại quốc tế, trong số các biện pháp phi thuế quan có hàng rào kỹ thuật và nhiều khi nó làm cản trở rất lớn đối với thương mại. Việc hàng hóa của nước này không thể xâm nhập được vào thị trường các nước khác thường xuyên diễn ra. Nếu loại trừ lý do bảo hộ, chính trị,…thì lý do cơ bản là doanh nghiệp không hiểu biết thị trường, doanh nghiệp không có năng lực làm ra các hàng hóa có chất lượng đáp ứng thị trường.
Theo Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại quốc tế (Hiệp định WTO/TBT), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là các biện pháp kỹ thuật gây ảnh hưởng đến thương mại, bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn. Tuy nhiên trong thực tiễn cần hiểu hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo nghĩa rộng hơn, như các quy định về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt các yêu cầu liên quan đến an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường; các yêu cầu về kiểm dịch động, thực vật; các yêu cầu bao gói; ghi nhãn; các quy định về đánh giá sự phù hợp, như thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm tra…; các yêu cầu về phương pháp sản xuất/khai thác và chế biến sản phẩm; các quy định về an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội; các quy định về tiết kiệm năng lượng; quy định về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, năng lượng, truy xuất nguồn gốc và các quy định khác....Thực tế, phần lớn các quy định, yêu cầu (biện pháp kỹ thuật) trên thường được thể hiện qua: các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật.
Để vượt qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại các doanh nghiệp cần có những giải pháp cụ thể. Trước hết doanh nghiệp cần chủ động quan tâm, tìm hiểu, nhận biết được hàng rào kỹ thuật của thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp dự định đưa hang hóa đến, đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp và các quy định liên quan khác đối với hàng hóa của mình tại thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tuân thủ các quy định của các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định có liên quan đến sản phẩm, hàng hóa của mình. Đồng thời cần tích cực tham gia hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan. Tùy vào khả năng, điều kiện của mình, doanh nghiệp cần tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời cần tham gia giải quyết các quan ngại thương mại, tức là tham gia xử lý nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, quy định, thủ tục,...liên quan đến sản phẩm, hàng hóa của mình, có ảnh hưởng đến thương mại mà các nước thành viên WTO đã hoặc sẽ ban hành. Thực tế đây là nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó chủ động, lâu dài, trong đó doanh nghiệp cần có chiến lược nghiên cứu phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của mình. Chủ động áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý tiên tiến được phổ cập rộng rãi trên thế giới nhằm một mặt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình, mặt khác đáp ứng các yêu cầu thường đòi hỏi từ phía các đối tác, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường. Các tiêu chuẩn đó là các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, quản lý môi trường, quản lý năng lượng, an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, trách nhiệm xã hội,… Các tiêu chuẩn đó thường là các tiêu chuẩn quốc tế và đã được các nước chấp nhận thành các tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra còn có nhiều tổ chức xây dựng và công bố các tiêu chuẩn khác cũng được phổ biến rộng rãi trên thế giới mà doanh nghiệp cũng cần quan tâm áp dụng nếu thấy phù hợp.
Việc triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực của chính các doanh nghiệp-chủ thể của hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng. Các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và tốt nhất xây dựng dự án nâng cao năng suất, chất lượng cụ thể cho doanh nghiệp mình. Để thành công các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao trình độ cán bộ, chuyên gia, người lao động về năng suất, chất lượng. Tham dự các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về năng suất, chất lượng. Đó là các lớp đào tạo về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, về xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng;…Ngoài ra doanh nghiệp cần triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan; chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ,...
Trên đây chỉ là một số giải pháp cơ bản liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Chỉ có sự cố gắng nỗ lực của chính mình doanh nghiệp mới có thể chủ động vượt qua được các hàng rào kỹ thuật, đưa hàng hóa của mình đến các thị trường mong muốn./.