Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn với khối ngoại, từ các nhà đầu tư.... |
Khối ngoại ảnh hưởng “tiêu cực” đến VN-Index
Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra khá “căng thẳng” khi mà mốc 1.000 điểm của VN-Index liên tục bị thử thách. Cứ mỗi khi VN-Index chạm tới mốc quan trọng này, lực cung trở nên mạnh mẽ hơn, trong đó động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường.
Kết quả là VN-Index giằng co mãi mà chưa thể chinh phục thành công mốc 1.000 điểm. Mức cao nhất mà chỉ số này chạm tới sau giờ đóng cửa là 999,59 điểm được thiết lập trong ngày 1/10/2019. Đó cũng là ngày vốn hóa thị trường của sàn TP.HCM (HOSE) đạt mức cao nhất 3.381.649 tỷ đồng.
Và con số 3.381.649 tỷ đồng nhanh chóng bị sụt giảm xuống chỉ còn 3.357.441 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 24.208 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD) chỉ sau 2 phiên giao dịch.
Trong 3 phiên đầu tháng 10, khối ngoại đã bán ròng gần 33 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 673 tỷ đồng. Còn tính chung trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 62,6 triệu cổ phiếu, tương đương 258 tỷ đồng.
... cho đến các công ty chứng khoán. Trong đó, đáng lưu ý nhất là dòng vốn đến từ Hàn Quốc. |
Các cổ phiếu thường xuyên nằm trong danh sách bán ròng của khối ngoại có thể kể đến như VRE (Vincom Retail), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), VNM (Vinamilk), VCB (Vietcombank)...
Động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra liên tục đang tác động tiêu cực đến VN-Index. Đó là lời nhận xét của các công ty chứng khoán. CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận xét khi phiên 3/10 kết thúc: “Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp trên HOSE”.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lo lắng với động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khi khẳng định: “Với cái nhìn dài hơn, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm lạc quan với kỳ vọng thị trường sẽ sớm vượt qua vùng kháng cự tâm lý 1.000-1.005 điểm để hướng đến các mốc cản mạnh hơn trong thời gian tới. Điểm tiêu cực hiện tại là vẫn là động thái bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại”.
Động thái bán ròng của khối ngoại đang khiến VN-Index khó chinh phục thành công mốc 1.000 điểm. |
Khối ngoại vẫn “mê” chứng khoán Việt Nam
Hiện tại, khối ngoại đang trong thời kỳ bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt. Cả TVSI và VDSC đều bình luận động thái này của nhà đầu tư nước ngoài ảnh hưởng “tiêu cực” đến VN-Index, đến khả năng tìm lại mốc 1.000 điểm của chỉ số này. Tuy nhiên, theo 2 công ty này, khối ngoại chỉ tạm thời “ngăn cản” trong ngắn hạn chứ không thể ngăn cản trong dài hạn vì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá có sức hấp dẫn nhất định. Đó là lý do nhà đầu tư nước ngoài liên tục lập tài khoản mới.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính trong tháng 9 năm nay, đã có thêm 289 nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm 42 tổ chức và 248 cá nhân được VSD cấp mã số giao dịch chứng khoán. Tính chung 9 tháng đầu năm, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 28.181 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 3.961 nhà đầu tư tổ chức và 24.220 nhà đầu tư cá nhân.
Tới tháng 10, dù mới chỉ vài ngày trôi qua nhưng xu hướng khối ngoại đến thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn tăng. Trong 2 ngày (1 và 2/10) đã có 41 mã số chứng khoán giao dịch được cấp cho nhà đầu tư nước ngoài. Đa số đều là cá nhân.
Còn về phía doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đón chào làn sóng “vốn” từ nhà đầu tư Hàn Quốc. Sau hàng loạt vụ thâu tóm diễn ra nhanh chóng, đã có 6 công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam.
Đó là các công ty chứng khoán: KIS, Mirae Asset, HFT, KB Việt Nam, Shinhan Việt Nam (tiền thân là Chứng khoán Nam An), NH (tiền thân là chứng khoán Woori CBV). Tuy nhiên, đây chưa phải những cái tên hàng đầu ở Việt Nam. Dù vậy, với việc khối ngoại, trong đó đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài đến từ xứ sở kim chi rót hàng chục triệu USD vào thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá, tất nhiên, sau khi đã chinh phục thành công mốc 1.000 điểm.
My My