Vĩnh Phúc có vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển công nghiệp, khu công nghiệp (KCN). Ngay từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc xác định công tác quy hoạch, phát triển các KCN phải đi trước một bước, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung đô thị, nhằm hình thành hệ thống các KCN được phân bố hợp lý trên địa bàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, khai thác triệt để quỹ đất đồi, đất bạc màu, bảo đảm phát triển bền vững và thực sự trở thành động lực cho sự phát triển chung toàn tỉnh; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có 20 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với quỹ đất gần 5.500 ha; hằng năm, trên 90% thu ngân sách của tỉnh đến từ khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Trong đó, 16 KCN đã được thành lập, tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt hơn 3.168,02 ha.
Ngay năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, thực hiện tốt công tác quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo hướng đồng bộ; đến rà soát, bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo tính thống nhất, khả thi và chất lượng.
Một số quy hoạch mang tính chủ chốt như Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng hạ tầng TP Vĩnh Yên và Phúc Yên; nâng cấp huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm cơ sở thành lập mới 2 thị xã; hoàn thiện đồ án quy hoạch chung của các xã là đô thị loại V, để làm cơ sở đầu tư và phân loại đô thị; tăng quy mô dân số đô thị, nhằm đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60%.
Đến nay, hệ thống các đô thị đang được quy hoạch và xây dựng tiến tới hoàn chỉnh; nhiều khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái được đầu tư đồng bộ, hiện đại; TP Vĩnh Yên đã cơ bản đáp ứng tiêu chí đô thị loại I; đô thị Phúc Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.