Tổng Công ty Cà phê Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinacafe) được thành lập năm 1995 là nhà cung cấp hàng đầu của Việt Nam về cà phê. Sau nhiều năm hoạt động, vốn điều lệ của Vinacafe đạt 1.150 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2018. Đây là đơn vị chủ lực của ngành cà phê Việt Nam để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành trong việc hoạch định chính sách, định hướng thị trường cho ngành cà phê Việt Nam.
Với tầm vóc như vậy, Vinacafe gánh vác rất nhiều kỳ vọng. Thế nhưng công ty lại gây bất ngờ khi thua xa đối thủ Trung Nguyên và thua luôn công ty con cũ là CTCP Vinacafé Biên Hòa.
Thua xa Trung Nguyên
Trung Nguyên là “đế chế” cà phê ở Việt Nam. Ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ luôn mong muốn Trung Nguyên sẽ vươn tầm thế giới và ghi đậm dấu ấn cà phê Việt Nam với khách hàng năm châu bốn bể. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, cuộc hôn nhân đầy sóng gió của ông Vũ và vợ ít nhiều ngăn cản đà phát triển của Trung Nguyên. Dù vậy, xét về hiệu quả kinh doanh, Trung Nguyên vẫn vượt xa Vinacafe - “anh cả” ngành cà phê.
Cụ thể, trong 4 năm gần đây, doanh thu thuần của Trung Nguyên dao động quanh mức 3.800-4.000 tỷ đồng. Doanh thu ít biến động nhưng lợi nhuận của Trung Nguyên lại sụt giảm khá mạnh. Năm 2014, Trung Nguyên ghi nhận 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Hai năm gần đây (2016 và 2017), lợi nhuận của Trung Nguyên tiếp tục suy giảm lần lượt còn 768 tỷ đồng và 681 tỷ đồng. Lợi nhuận của Trung Nguyên sụt giảm sâu chủ yếu do chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lên mạnh.
Ngoài ra, công ty phải trích khấu hao vài chục tỷ đồng mỗi năm cho lượng siêu xe hùng hậu mới mua trong thời gian qua.
Dù Trung Nguyên tiêu tiền theo kiểu “Công tử Bạc Liêu” nhưng những gì mà Vinacafe có được chỉ bằng một góc so với Trung Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vinacafe chỉ thu được 2.269 tỷ đồng doanh thu và 9,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong kỳ, Vinacafe chưa nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vinacafe thua cả Trung Nguyên và Vinacafé Biên Hòa. |
Thua luôn “con cũ”
Không chỉ thua xa Trung Nguyên, Vinacafe còn yếu thế hơn rất nhiều so với công ty con cũ - Vinacafé Biên Hòa (mã chứng khoán VCF). Dù là “con” nhưng đã từ lâu Vinacafé Biên Hòa đã thể hiện được “sức mạnh” vượt trội của mình so với “mẹ”.
Vinacafé Biên Hòa có tiền thân là nhà máy cà phê Coronel, ra đời từ năm 1969. Cùng với nhiều thăng trầm của lịch sử, công ty đã tạo nên thương hiệu Vinacafé Biên Hòa và đưa thương hiệu này vươn ra tầm quốc tế trước cả khi về với Vinacafe vào năm 1988.
Vinacafe đã được Vinacafé Biên Hòa “cứu” trong thời gian dài nhờ hoạt động thoái vốn. Vào tháng 6/2011 và tháng 12/2013, Vinacafe đã bán ra 3,4 triệu cổ phiếu và 6,5 triệu cổ phiếu VCF, thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Nhờ số tiền này, kết quả kinh doanh của Vinacafe đã “sáng sủa” hơn rất nhiều.
Đặc biệt, cuối năm 2015, Vinacafe đã bán đi toàn bộ 3,41 triệu cổ phiếu VCF, tương đương tỷ lệ sở hữu 12,85% và thu về số tiền 533 tỷ đồng. Số tiền này bù đắp rất nhiều cho các khoản chi phí khổng lồ tại Vinacafe, giúp tổng công ty lãi ròng 90 tỷ đồng. Nếu không bán cổ phiếu VCF, chắc chắn năm 2015 Vinacafe đã gánh thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Hiện nay, cổ phiếu VCF đã bán hết nên chẳng còn gì để “cứu” ông lớn ngành cà phê nữa. Vì vậy, hoạt động kinh doanh của Vinacafe trở nên bấp bênh và không định hướng.
Như đã nói ở trên, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của Vinacafe đạt 2.269 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2.597 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận chỉ đạt 9,9 tỷ đồng, giảm 43,8 tỷ đồng, tương ứng 81,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, dù doanh thu thấp hơn nhưng Vinacafé Biên Hòa lại đạt lợi nhuận vượt trội. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tại Vinacafé Biên Hòa trong 6 tháng đầu năm nay lần lượt là 1.480 tỷ đồng và 297 tỷ đồng.
Có thể thấy, doanh thu của Vinacafé Biên Hòa chỉ bằng 65% của Vinacafe nhưng lợi nhuận lại cao gấp 30 lần so với Vinacafe. Các con số này đã “tố” rõ tình hình quản lý chi phí không tốt của Vinacafe.
Vy Vy