Lean là phương pháp sản xuất tinh gọn, do Hãng Toyota Nhật Bản khởi xướng áp dụng với tên gọi TPS -Toyota Production System từ những năm 60. Sản xuất tinh gọn chính là chiến lược sản xuất dựa vào kĩ thuật của hệ thống sản xuất Toyota. Chiến lược sản xuất yêu cầu người lao động tham gia vào các cải tiến nhỏ để loại bỏ hao phí, tăng chất lượng và nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất.
Lean là hệ thống công cụ và phương pháp được ứng dụng liên tục để cải tiến quy trình, nhằm loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quy trình sản xuất. Đây là mô hình bao gồm các nguyên tắc và công cụ cải tiến có hệ thống, tập trung vào việc tạo giá trị từ góc nhìn của khách hàng và loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ của một tổ chức.
Lean giúp tăng khả năng sử dụng nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất và cung cấp dịch vụ nhằm cung cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà không có bất kỳ sự lãng phí nào thông qua cải tiến liên tục quá trình.
Áp dụng phương pháp Lean nhằm loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng “tinh gọn” – không có lãng phí, rút ngắn thời gian cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.
Công ty May Nhà Bè áp dụng thành công phương pháp Lean trong sản xuất
Lean được sử dụng rộng rãi nhất trong các ngành công nghiệp thiên về lắp ráp hoặc có quy trình nhân công lặp đi lặp lại. Trong những ngành công nghiệp này, tính hiệu quả và khả năng chú tâm vào chi tiết của công nhân khi làm việc với các công cụ thủ công hoặc vận hành máy móc có ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Vì Lean loại bỏ nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử sản xuất và cân bằng chuyền kém nên Lean đặc biệt thích hợp cho các công ty chưa có hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) hoặc chưa có hệ thống để hoạch định yêu cầu vật tư (MRP), lịch sản xuất hay điều phối sản xuất. Điều này đặc biệt quan trọng ở Việt Nam vì trên thực tế, nhiều công ty tư nhân ở Việt Nam đang hoạt động dưới mức công suất khá đáng kể, hoặc thường giao hàng không đúng hẹn do các vấn đề trong hệ thống quản lý và lên lịch sản xuất.
Lean cũng thích hợp cho các ngành có chiến lược ưu tiên việc rút ngắn thời gian chu kỳ sản xuất tới mức tối thiểu để tạo được thế mạnh trong cạnh tranh cho công ty.
Hiện nay đã có rất nhiều công ty trên thế giới áp dụng thành công phương pháp Lean trong sản xuất như: Amazon, Nike, Toyota,…còn tại Việt Nam cũng rất nhiều công ty đã áp dụng thành công như Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty Cổ phần May Hưng Nhân, Công ty May Việt Tiến, Công ty May Nhà Bè,… về việc áp dụng cung cụ Lean, đã thu được kết quả rất khả quan, cụ thể: các công đoạn được phân chia rõ ràng, bố trí mặt bằng sản xuất ngăn nắp, sạch sẽ, khoa học, giảm bớt 80% lượng hàng tồn trên chuyền may, năng suất lao động tăng từ 20% đến 30%, quá trình sản xuất ổn định và lỗi trong công đoạn giảm từ 10% xuống 5%, lỗi thành phẩm dưới 2%, giảm được khoảng 25% chi phí ẩn.
Từ những thành công của các doanh nghiệp trong nước đã cho thấy Lean không phải là một phương pháp quá khó khăn để áp dụng. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thành công và thu được những lợi ích to lớn khi áp dụng phương pháp Lean.