Thực tế, bất động sản khu công nghiệp đang là “thỏi nam châm” hút mạnh dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn thu, mà còn củng cố tiềm lực tài chính để phát triển mạnh mẽ hơn trong chu kỳ mới.
Đại diện một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu tìm thuê đất công nghiệp cho hay, khách thuê có nhiều tiêu chí đánh giá trước khi đưa ra lựa chọn địa điểm bỏ vốn, trong đó các tiêu chí quan trọng nhất là vị trí, quỹ đất và quy hoạch định hướng phát triển của các khu công nghiệp.
Hiện đa phần các địa phương và chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong nước lại ưu tiên yếu tố lấp đầy, mà chưa thực sự chú trọng tới các yếu tố được cho là quan trọng hơn như cơ cấu ngành nghề, công nghệ, môi trường và xã hội… của dự án nên hiệu quả đầu tư chưa cao như kỳ vọng.
Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam thường có tâm lý “chờ đợi” tìm được chủ đầu tư sau đó mới đầu tư hạ tầng, điều này ảnh hưởng tới khả năng thu hút khách thuê, khiến nhiều khu công nghiệp không đảm bảo tỷ lệ lấp đầy.
Chuyên gia Savills Việt Nam cho rằng, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn là một trong các lĩnh vực tiềm năng đang tác động trực tiếp đến bất động sản khu công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các nhà sản xuất lớn.
Những năm gần đây, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn thế giới như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… đã đến Việt Nam xây dựng nhà máy, mở rộng hệ thống sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Tuy nhiên Savills Việt Nam đánh giá vẫn còn nhiều thách thức cần được xử lý để thúc đẩy sự phát triển bền vững của lĩnh vực này. Trong đó, một trong những vấn đề nổi cộm liên quan tới cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay là đường dây truyền tải điện và hệ thống cung ứng điện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, nhất là trong những thời điểm cao điểm sản xuất. Ngành công nghiệp bán dẫn luôn cần lượng điện khổng lồ, nên để đáp ứng được nhu cầu điện rất lớn này, Việt Nam cần đẩy nhanh phát triển các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn.
Ngoài ra, nguồn nhân lực, dù có lực lượng trong độ tuổi lao động lớn với 52,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên (theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến cuối quý I/2024), nhưng Việt Nam hiện vẫn thiếu kỹ sư trình độ cao để phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Thực tế cho thấy, không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ dẫn đến hạn chế dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn sản xuất lớn. Do đó, giải được bài toán nguồn nhân lực cho lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các điểm đến đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sản xuất cũng như tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
“Chính phủ và các nhà phát triển khu công nghiệp trong nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phát huy những tiềm năng vốn có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam”, chuyên gia Savills Việt Nam nhấn mạnh.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, những thị trường mới nổi như Việt Nam trở thành địa điểm tiềm năng thu hút đầu tư. Trong đó, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn là một trong những yếu tố quyết định việc dòng vốn nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến.
“Bởi vậy, hiện là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp trong nước tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác. Bởi trong giai đoạn 2024-2026, một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam, khi mà nhiều giao dịch đang trong quá trình đàm phán cuối cùng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý bất động sản hoàn thiện hơn cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác”, bà Trang Bùi nói.