Giải cứu hay thâu tóm?
Xuất thân từ kinh doanh gỗ và đồ nội thất, ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch HAG, nhanh chóng phát triển hoạt động sang hướng đa ngành nghề. Ông làm thủy điện, khai thác khoáng sản rồi lấn sân sang bất động sản, những mảng đều rất “hot” vào thời mới bắt đầu.
Sau đó, khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng khá nhiều đến Việt Nam, nhất là hai năm 2012 và 2014 khiến HAG phải tái cơ cấu hoạt động. Ông Đức bán các dự án thủy điện và các dự án bất động sản, cả dự án mía đường khá lớn. Thay vào đó, ông dồn hết nguồn lực vào mảng nông nghiệp.
Sau nhiều năm lợi nhuận phập phồng, năm 2016, HAG lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Bề nổi chính là nợ quá nhiều. Nguyên nhân sâu xa đến từ các dự án nông nghiệp tâm huyết, như cao su và cọ dầu, đến lúc thu hoạch thì giá rớt. Ông chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày (thanh long, chuối, chanh dây…) để xoay sở dòng tiền nhưng vẫn tiếp tục lỗ.
Bỏ hết các dự án khác và xem nông nghiệp như tâm huyết, nhưng vẫn lỗ, khiến ông Đức “lo đến bạc đầu”. Nợ ngân hàng đến hàng chục ngàn tỷ đồng đến hạn là nỗi lo chính. Nhiều lần, ông Đức phải “làm lẫy” để buộc các ngân hàng cho ông giãn nợ, nhưng cũng không thể kéo dài. Tháng 8/2018, cơ duyên được sắp đặt, THACO ra tay “giải cứu” ông Đức ra khỏi thế bí.
Tháng 8/2018, cơ duyên được sắp đặt, THACO ra tay “giải cứu” ông Đức ra khỏi thế bí. |
Theo thỏa thuận hợp tác, THACO mua cổ phiếu và hơn 220 triệu trái phiếu của HNG, mua 51% dự án bất động sản ở Myanmar, mua hai công ty con. Ngoài ra, THACO hứa sẽ rót tiền phát triển tiếp các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tổng giá trị đầu tư cỡ 1 tỷ USD. Nhưng nếu nhìn kĩ, sự hợp tác của THACO là “giải cứu” hay thâu tóm?
Nói “giải cứu” cũng có lý. Năm rồi, vào tháng 6/2018, khi HNG phát hành gần 222.000 trái phiếu (dự kiến thu về hơn 2.200 tỷ đồng), chỉ có một nhà đầu tư mua 22 trái phiếu. Số còn lại sau đó do chính THACO mua hết. Đồng thời, THACO cũng bỏ tiền mua các công ty con và dự án của HAG, giúp tập đoàn có nguồn tiền trả nợ. Đưa HAG ra khỏi tình trạng khó khăn, cũng đáng được gọi là giải cứu.
Mặt khác, qua cam kết hợp tác, nhóm THACO hiện đã sở hữu 35% cổ phần HNG, 51% tại dự án bất động sản Myanmar cùng hai công ty trồng cây nông nghiệp quan trọng. Rõ ràng, THACO đang kiểm soát hầu hết các tài sản có giá trị nhất của HAG. Hơn nữa, phía HAG đã giảm tỷ lệ sở hữu tại HNG còn khoảng 49%, tức mất quyền kiểm soát. Bởi vậy, nói THACO thâu tóm HAG cũng không phải không có lý.
HAG chỉ còn cái “xác”?
Về chuyện không còn sở hữu cổ phiếu ở mức chi phối ở HNG, HAG gần đây ra thông báo rằng họ vẫn đủ quyền kiểm soát. Theo HAG, họ vẫn có quyền đưa ra các quyết định quan trọng tại HNG. Hơn hết, các cổ đông lớn khác đồng ý cho HAG có hơn 50% quyền biểu quyết. Đáng chú ý, ông Đức vẫn đang giữ chức chủ tịch HNG.
Điều HAG giải thích là đúng. Bởi Luật Doanh nghiệp cho phép các cổ đông thỏa thuận với nhau về quyền hạn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ lợi ích, tất nhiên HAG chỉ nhận về đúng với số cổ phần họ sở hữu. Nhìn xa hơn, khi các cam kết đầu tư của THACO dần được thực đi, liệu HAG còn có thể giữ được quyền kiểm soát tại HNG?
Hiện tại, THACO đã rót vào HNG và một số công ty liên quan khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, THACO cam kết rót khoảng 14.000 tỷ đồng nữa để cơ cấu khoản nợ của HAG. Mới ở giai đoạn đầu, vị thế hai bên đã có sự thay đổi đáng kể. Đến khi THACO rót đủ vốn cam kết, quyền lợi cũng như quyền kiểm soát của HAG tại HNG và các công ty con chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể nữa.
Khi các cam kết đầu tư của THACO dần được thực đi, liệu HAG còn có thể giữ được quyền kiểm soát tại HNG? |
Có thể thấy, mới hơn 1 năm từ khi THACO bước vào, phía HAG đã có nhiều nhượng bộ đáng chú ý. THACO đưa người của mình vào vị trí phó chủ tịch HNG – vị trí chỉ đứng sau ông Đức, trong khi đó, em trai ông Đức đồng thời phải bán hết cổ phiếu và rút khỏi vị trí phó giám đốc. THACO đã mua hai công ty nông nghiệp của HAG và sẽ còn mua tiếp. Vị thế của THACO theo đó sẽ càng tăng lên.
Về phía HAG, sau khi để THACO nắm chi phối dự án bất động sản ở Myanmar, họ chỉ còn HNG là tài sản có giá trị. Về lâu dài, khi vị thế của đối tác ngày càng tăng lên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, HAG sẽ chỉ còn giữ vai trò như một nhà đầu tư vào HNG, chứ quyền chi phối thật sự không còn. Điều này cũng lý giải vì sao giá cổ phiếu HNG luôn được đánh giá cao hơn công ty mẹ là HAG đến vài lần.
Hoàng Yến