Ứng dụng hệ thống sấy để nâng cao chất lượng hàng hóa tại Cà Mau

(CL&CS)- Ứng dụng hệ thống sấy (nhà sấy) sản phẩm thủy sản bằng năng lượng mặt trời kết hợp điện năng để nâng cao chất lượng hàng hóa tại tỉnh Cà Mau.

Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, có 3 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254 km với hơn 80 cửa biển lớn, nhỏ; chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều của biển Đông và nhật triều không đều của biển Tây tạo ra một bải triều rộng lớn ở khu vực Mũi Cà Mau.

Mặt khác, những mặt hàng thủy sản khô cũng được chú trọng như tôm khô, tôm để chế biến tôm khô hàng năm khoảng 3.000 - 4.500 tấn/năm của hơn 100 cơ sở sản xuất tôm khô từ quy mô hộ đến hợp tác xã. 

Ứng dụng hệ thống sấy năng lượng mặt trời nhằm tạo ra các sản phẩm khô đặc sản của Cà Mau đạt chất lượng, hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc tiêu thụ các sản phẩm khô đặc sản trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết được đầu ra cho nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, giúp cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp có thêm nguồn thu nhập, phát triển đời sống kinh tế tốt hơn, góp phần vào quá trình xoá đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhà sấy và máy sấy do dự án đầu tư lắp đặt

Để góp phần nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm mới của địa phương. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành thực hiện dự án: “Ứng dụng hệ thống sấy sản phẩm thủy sản bằng năng lượng mặt trời kết hợp điện năng để nâng cao chất lượng hàng hóa tại tỉnh Cà Mau” với mục tiêu: Đảm bảo chất lượng sản phẩm: sản phẩm khô đồng đều nhờ công nghệ sấy động (sản phẩm sấy chuyển động liên tục, sấy lạnh); kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… rất chặt chẽ nên sản phẩm khô nhanh và rất đồng đều; màu sắc cảm quan của sản phẩm tương đương phơi nắng truyền thống; giữ được đa số các dinh dưỡng thiết yếu. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: khử vi sinh và bào tử nấm mốc bằng đèn cực tím dải C (UVC) ngay trong quá trình sấy; không khí được lọc bụi trước khi đưa vào buồng sấy; buồng sấy kín ngăn chặn côn trùng, ruồi… xâm nhập. Tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm tôm khô nhằm đáp ứng nhu cầu trong tỉnh là cần thiết.

Qua 04 lần sấy thử nghiệm với ứng dụng hệ thống sấy sản phẩm thủy sản bằng năng lượng mặt trời kết hợp điện năng và lấy mẫu phân tích so sánh với giá trị cho phép theo TCVN 10734:2015; QCVN 8-1:2011/BYT; Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT thì kết quả các chỉ tiêu đều đạt theo quy định.

Mẫu tôm khô phơi tự nhiên và mẫu tôm khô được sấy bằng năng lượng mặt trời kết hợp với điện năng

Dự án góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đây là sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của vùng đất Cà Mau. Việc sản xuất tôm khô này chủ động thời gian sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và đồng đều giúp tăng năng suất và chất lượng tốt. 

Dự án tạo tiền đề để phổ biến và nhân rộng thêm việc sản suất tôm khô bằng phương pháp sấy năng lượng mặt trời kết hợp với điện năng, góp phần đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển cho ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Việc triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần thực hiện đa dạng hoá sản phẩm ngành nông nghiệp phục vụ thiết thực cho định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Qua kết quả dự án nhận thấy khả năng ứng dụng năng lượng mặt trời tại tỉnh cho việc sấy các loại nông thủy hải sản, thực phẩm rất có tiềm năng nhưng hầu hết các hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Vì vậy, kiến nghị với các ngành có liên quan tham gia hỗ trợ vốn ban đầu cho các hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu sấy trên địa bàn tỉnh nhằm giúp họ tiếp cận với sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

TIN LIÊN QUAN