Tỷ phú Thái gặp “ác mộng” khi vốn hóa Sabeco rớt giá 100.000 tỷ đồng

(NTD) - Cuối năm 2017, tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 110.000 tỷ đồng để mua cổ phần tại Sabeco - hãng bia chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Từ đó đến nay, cổ phiếu của Sabeco liên tục giảm sâu khiến vốn hóa của Sabeco giảm 100.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu Sabeco gục ngã

Ngày 18/12/2017, Bộ Công thương tổ chức chào bán 53,59% vốn điều lệ tại Tổng CTCP Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phiếu.

Thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch ThaiBev là tỷ phú giàu nhất Thái Lan với tài sản hơn 19,5 tỷ USD đã chi 109.966 tỷ đồng để mua số cổ phần nói trên. Sau giao dịch này, tỷ phú Thái đã đưa người vào lãnh đạo Sabeco.

Gần 2 năm điều hành, tỷ phú Thái đã gặt hái được quả ngọt đầu tiên khi doanh thu và lợi nhuận của Sabeco đạt kỷ lục mọi thời đại. Năm 2019, Sabeco đạt doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 5.053 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,4% và 21% so với năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 7.477 đồng.

Chưa dừng ở đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tại Sabeco lên mức cao kỷ lục 16.509 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Trở thành doanh nghiệp có lượng tiền nhiều thứ 4 trên sàn chứng khoán chỉ sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM). Với số tiền khổng lổ này, bên cạnh chi hàng ngàn tỷ đồng trả cổ tức, Sabeco còn thu lãi ngàn tỷ từ việc gửi ngân hàng.

Mới đây, Sabeco được Kiểm toán Nhà nước bỏ kiến nghị phải nộp ngân sách Nhà nước số lợi nhuận chưa phân phối tính đến 31/12/2016 với số tiền hơn 2.495 tỷ đồng. Đây là số tiền bằng 6 tháng lợi nhuận của Sabeco.

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của quá khứ. Mới đây, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và đường sắt có hiệu lực đã giáng một đòn chí mạng vào ngành rượu bia. Chưa dừng ở đó, dịch Covid-19 đã làm người tiêu dùng hạn chế đến những nơi đông người như: Nhà hàng, quán nhậu đã giáng thêm một đòn nữa vào ngành nước giải khát có cồn.

Chính điều này đã khiến cổ phiếu ngành bia nói chung và cổ phiếu SAB của Sabeco nói riêng giảm giá không phanh. Đóng cửa cuối tháng 2, SAB chỉ còn 162.000 đồng/cổ phiếu, giảm 30% so với trước Tết Nguyên đán. Nếu so với giá 320.000 đồng/cổ phiếu đã mua từ đợt thoái vốn Nhà nước, vốn hóa của Sabeco đã bốc hơi hơn 100.000 tỷ đồng, tài sản của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi giảm đi 54.295 tỷ đồng.

 

Một nhà hàng tại Q.5, TP.HCM rơi vào cảnh ế ẩm. Quản lý nhà hàng này cho biết, thực khách rất ít sử dụng bia Sài Gòn.

Doanh thu sẽ giảm sâu

Hiện nay, sản phẩm Sabeco có mặt tại 63/63 tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu đến 33 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa vẫn là thị trường chính khi xuất khẩu chỉ chiếm 1,8% tổng sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco.

Việc tăng trưởng tại thị trường xuất khẩu là điều không dễ dàng khi nhiều thị trường bia trên thế giới đang đi ngang hoặc tăng trưởng âm. Với mức tăng trưởng trên 5%, thị trường bia Việt vẫn là một thị trường sôi động và hấp dẫn, thu hút các hãng bia có thương hiệu của nước ngoài.

Mặc dù chiếm 40% thị phần trong nước nhưng sản phẩm của Sabeco chỉ ở phân khúc phổ thông. Tuy nhiên, phân khúc này đang bị cạnh tranh rất khốc liệt từ các công ty thuộc phân khúc bia cao cấp.

Tại phân khúc cao cấp, Sabeco thiếu sản phẩm cạnh tranh, trong khi giới trẻ với thu nhập cao có xu hướng sử dụng các sản phẩm bia thương hiệu quốc tế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm về sức khỏe nên có xu hướng dùng nhiều hơn các sản phẩm nước uống không cồn. Những điều này có thể dẫn đến sự thay đổi về tương quan trong thị trường bia làm ảnh hưởng đến thị phần của Sabeco.

Theo Euromonitor, đặc thù của ngành bia Việt là tiêu thụ on-trade (tiêu dùng tại chỗ như nhà hàng, khách sạn, quán bia…) chiếm đến 70% tổng tiêu thụ. Dịch Covid-19 khiến nhiều người tiêu dùng e ngại đến nhà hàng, quán nhậu đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ rượu bia. Việc này chỉ ảnh hưởng ngắn hạn vì dịch Covid-19 cũng nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và đường sắt sẽ ảnh hưởng dài hạn, làm thay đổi thói quen tiêu dùng rượu bia của người Việt.

Bên cạnh khách đến nhà hàng, quán nhậu giảm, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các loại nước uống khác như: Nước suối, nước có ga… Ngoài ra, lượng tiêu thụ rượu - bia vào dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý ở các siêu thị, tạp hóa đã chậm hơn những năm trước. Đơn cử dịp cuối năm Dương lịch 2020, doanh thu của Sabeco giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, khó có thể lượng hóa được hết các tác động của Nghị định 100 cũng như dịch bệnh Covid-19 nên đưa ra 5 kịch bản cho kết quả kinh doanh năm 2020 của Sabeco. Tuy vậy, BVSC thiên về khả năng doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm lần lượt 6,9% và 5,6%. Theo đó, trong năm 2020, Sabeco sẽ đạt doanh thu 35.287 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ 4.770 tỷ đồng.

Nếu dự báo của BVSC chính xác, giá cổ phiếu SAB có khả năng tiếp tục giảm sâu và tỷ phú Thái tiếp tục gặp “ác mộng”!

Nguyễn Như

Nên đọc