Tràn lan dự án treo vì “kẹt” giải phóng mặt bằng

(NTD) - Hiện nay, TP.HCM có tới 1.300 dự án treo không thể triển khai, một trong nhiều lý do là nghẽn ở khâu giải phóng mặt bằng. Thành phố đang quyết tâm giải quyết tình trạng này dù gặp phải không ít khó khăn.

Dự án treo tại Thạnh Mỹ Lợi (Q.2, TP.HCM).

Vướng giải phóng mặt bằng

Số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố có tới 1.300 dự án đang treo. Đây là những dự án được cấp phép từ lâu và đã quá hạn nhưng chủ đầu tư vẫn không tiến hành triển khai gây tình trạng người dân sống khổ. Đa phần những dự án treo này là các dự án như trường học, công viên, bất động sản…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, một trong những khó khăn khiến các dự án, đặc biệt dự án bất động sản bị treo chính là giải phóng mặt bằng. “Công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, do doanh nghiệp khó đạt được thỏa thuận với tất cả người sử dụng đất nên dễ bị rơi vào tình trạng dở dang “da beo” không triển khai dự án được. Thậm chí bị chôn vốn kéo dài, không có quỹ đất đủ điều kiện được công nhận chủ đầu tư dự án và cũng là nguyên nhân làm giảm các dự án bất động sản trung cấp và bình dân. Riêng các dự án bất động sản cao cấp ít bị ảnh hưởng là do các chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn quỹ đất và nguồn lực tài chính từ các năm trước” - ông Lê Hoàng Châu nói.

Theo ghi nhận của Báo Người Tiêu Dùng, hiện ở TP.HCM còn nhiều dự án treo như dự án khu đô thị bán đảo Thanh Đa, dự án ga Bình Triệu, dự án nhà ở cho cán bộ, giảng viên Trường Đại học Quốc gia TP.HCM… Trong đó, dự án khu đô thị bán đảo Thanh Đa đã 26 năm vẫn bất động mặc dù trải qua bao đời chủ đầu tư.

“Dự án chúng tôi đã bồi thường 90% còn 10% thương lượng với dân nhưng cách nào họ cũng không đi. Thậm chí, ngoài chi trả tiền bồi thường chúng tôi còn xây sẵn các căn nhà tái định cư chất lượng để mời những người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đến ở nhưng họ nhất quyết không đi” - một lãnh đạo doanh nghiệp ở khu Nam Sài Gòn than thở.

Một dự án khác tại Q.7, TP.HCM.

Quyết xóa dự án treo

Trước những khó khăn trong công tác triển khai, nhiều dự án bị treo, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sẽ kiên quyết xử lý. Theo lãnh đạo sở này, năm 2014, TP.HCM đã có đợt xóa sổ dự án treo đầu tiên bằng việc xử lý thu hồi, hủy bỏ 536 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 5.300ha (trong đó có 469 dự án chấp thuận địa điểm đầu tư và 67 dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất).

Việc rà soát, kiểm tra các dự án treo được kiểm tra theo hình thức chia thành 3 nhóm để xử lý. Nhóm một là đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất, sẽ rà soát lại năng lực của chủ đầu tư đề xuất xử lý. Nhóm hai, các dự án đã giao hoặc ủy quyền cho quận, huyện thu hồi. Nhóm ba, tất cả dự án được giao trước Luật Đất đai 2013 đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng TP.HCM xử lý như thế nào đối với các dự án chậm tiến độ nhưng chưa bị thu hồi do chủ đầu tư đền bù kiểu “da beo” hay khối lượng đền bù đạt 50-80% song thực chất quyền lợi của người dân có đất nằm trong dự án vẫn bị “treo” quyền lợi.

Cũng theo ông Đực, đối với quy hoạch dự án, người dân ở vị trí bị quy hoạch sẽ không được xây nhà, sửa nhà… dù có hư hỏng nặng để tránh tình trạng kê giá đền bù sau này. Điều này dẫn tới cảnh, khi dự án treo quá lâu, người dân sống tại dự án này cũng sẽ phải sống trong những căn nhà xuống cấp, hư hỏng mất an toàn. Nhưng có nhiều dự án, chủ đầu tư tiến hành bồi thường được một phần, sau đó vì nhiều lý do khác nhau mà chủ đầu tư không thể tiến hành bồi thường và phát triển được. Như vậy, những dự án này sẽ ra sao dù quá thời hạn triển khai? Và ngay cả danh sách các dự án thu hồi vì bị treo quá lâu cũng không được công khai thì làm sao người dân biết để thực hiện xây sửa hay mua bán nhà?

Vũ Sơn

 
Nên đọc