Thành viên NovaGroup muốn nghiên cứu, đề xuất dự án 580 ha tại Đồng Tháp
Công ty Cổ phần Mekong Smart City (Thành viên NovaGroup) vừa đề xuất quy hoạch cồn Đông Giang thành khu đô thị du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái; đô thị thể thao giải trí kết hợp chăm sóc sức khỏe – trị liệu; đô thị giáo dục – đào tạo với UBND tỉnh Đồng Tháp.
Trong đó, bao gồm nhiều hạng mục như: Khách sạn, nhà hàng và khu thương mại dịch vụ được thiết kế kiến trúc mang nét hiện đại pha lẫn với nét đặc trưng của địa phương cùng với hệ thống công viên, vườn nhiệt đới; phát triển hình thức resort kết hợp với nông nghiệp, khai thác cảnh quan nông nghiệp đặc trưng của địa phương và vườn trái cây nhiệt đới, các homestay, vườn hoa và ao thủy sinh; các khu vực trò chơi thể thao mạo hiểm, bến thuyền du lịch, khu vực spa, sân golf đạt chuẩn quốc tế...
Tại buổi họp, các sở, ngành tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó cần bám sát theo đồ án quy hoạch chung của thành phố Sa Đéc; có phương án cụ thể đối với vấn đề tái định cư; đồng thời, đề xuất Công ty Mekong Smart City nghiên cứu bổ sung thêm khu vui chơi giải trí thể thao dưới nước, phục hồi phố cổ Sa Đéc.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao ý tưởng quy hoạch doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý đơn vị trong quy hoạch cần có sự kết hợp với những nét đặc trưng riêng của Đồng Tháp, phát huy lợi thế của Sa Đéc là thành phố hoa, thành phố học tập.
Trước đó, ngày 06/6/2022, Công ty Cổ phần Mekong Smart City cũng đã gửi Công văn số 03/2022/CV-MSC về việc xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư xây dựng tại cồn Đông Giang (580ha) trên địa bàn thành phố Sa Đéc.
Công ty Cổ phần Mekong Smart City được thành lập vào tháng 10/2020 có trụ sở tại số nhà 384, Tổ 11, ấp Long Hậu, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ban đầu doanh nghiệp này có tên là Công ty CP Nova Hồng Ngự. Đến tháng 4 vừa qua, được đổi tên thành Công ty Cổ phần Mekong Smart City.
Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của đơn vị này là 100 tỷ đồng, trong đó, Novaland nắm 15%, tương đương 15 tỷ đồng, tương ứng giá trị đầu tư vào Nova Hồng Ngự mà Novaland ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2021.
Bên cạnh Novaland, cơ cấu cổ đông của Nova Hồng Ngự còn có Công ty CP NovaGroup (nắm 84%) và ông Dương Hồng Cẩm (nắm 1%).
Tại Đồng Tháp, Công ty Mekong Smart City còn có nhiều dự án lớn nằm trong chuổi 11 dự án thành phần thuộc Đại dự án Mekong Smart City (thuộc huyện Hồng Ngự, TP. Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp và thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang. Tại Đồng Tháp, Mekong Smart City sẽ ưu tiên triển khai thực hiện thủ tục đầu tư 4 dự án trong giai đoạn 2022-2025, gồm: Khu đô thị thông minh, Khu du lịch làng nghề, Khu đô thị 250 ha tại Cồn Chính Sách và Cảng biển Mekong (Thường Phước).
Sắp khởi công Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 20/9, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch. Tại đây, các bên thống nhất sẽ tổ chức khởi công tuyến đường vào ngày 24/9/2022.
Theo đó, dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch dài hơn 8 km, tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng. Nguồn vốn phục vụ dự án gồm nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án có 2 gói thầu gồm: xây dựng cầu Nhơn Trạch và phần đường; trong đó, gói thầu cầu Nhơn Trạch có thời gian thi công 35 tháng, gói thầu đường thi công trong 30 tháng.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết, đến nay, toàn tuyến đã có gần 3km mặt bằng được bàn giao; trong đó, TP. Hồ Chí Minh bàn giao được 1,7 km, còn 0,2 km chưa bàn giao. Đồng Nai mới bàn giao được 1,1 km, còn 5,2 km chưa bàn giao.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị các địa phương, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng, ưu tiên bàn giao sớm phần mặt bằng giáp sông Đồng Nai để thi công cầu Nhơn Trạch.
Theo ông Võ Tấn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch đi qua địa phận 2 xã Long Tân và Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Để thực hiện dự án tỉnh phải thu hồi gần 50 ha đất của gần 470 hộ; trong đó, có hơn 220 hộ phải bố trí tái định cư.
Để bảo đảm tiến độ thi công dự án, ông Võ Đức Tuấn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh duyệt giá bồi thường theo quy định. Sau khi tỉnh phê duyệt, huyện Nhơn Trạch cần khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong tháng 10/2022.
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị số 11, 12 thuộc Quy hoạch phân khu số 2 (TP Bắc Giang)
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị số 11, 12 thuộc Quy hoạch phân khu số 2, TP Bắc Giang (tỷ lệ 1/500).
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của phường Dĩnh Kế, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) và xã Hương Gián (huyện Yên Dũng).
Ranh giới được giới hạn phía Tây Bắc giáp Khu đô thị số 8, khu số 9 và khu số 19 thuộc Khu đô thị phía Nam, TP Bắc Giang; phía Tây Nam giáp dân cư và đất nông nghiệp hiện trạng thôn An Phong, thôn Đọ, xã Tân Tiến; phía Đông Nam giáp Khu đô thị số 15 và dải cây xanh mặt nước Khu đô thị phía Nam; phía Đông Bắc giáp dân cư và đất nông nghiệp hiện trạng xã Hương Gián.
Diện tích lập quy hoạch khoảng 65,73 ha. Quy mô dân số khoảng 12.500 người. Phân khu số 2, TP Bắc Giang có tính chất là khu vực dân cư đô thị mới đa dạng các loại hình nhà ở các công trình công cộng, thương mại, khuôn viên cây xanh, bãi đỗ xe với đầy đủ tiện ích của một đơn vị ở.
Trên cơ sở định hướng quy hoạch phân khu số 2 đã được phê duyệt, quy hoạch tổng thể bố cục kiến trúc cảnh quan các khu chức năng hài hòa, mỹ quan, khai thác tối đa hiệu năng sử dụng, bảo đảm được tính chất của đồ án, định hướng tổ chức không gian được quy hoạch như: Bảo đảm tính thống nhất từ không gian tổng thể đến không gian chi tiết; mang tính kế thừa kiến trúc cảnh quan và phù hợp với điều kiện, đặc điểm tự nhiên của khu vực. Tuân thủ quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch phân khu số 2, TP Bắc Giang đã được phê duyệt.
Agribank chào bán lô đất trăm tỷ ven Hồ Tây để thu hồi nợ
Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản nợ của khách hàng. Tài sản đấu giá là toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Thửa đất số D3A-04 Ô số 27, Khu đấu giá 18,6 ha, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, đứng tên ông Lưu Văn Toàn và bà Trần Thị Minh Tuyết.
Thửa đất có diện tích 333 m2, là đất ở đô thị, sử dụng riêng, lâu dài. Diện tích xây dựng không được vượt quá 116,6 m2.
Agribank chào giá khởi điểm cho khu đất trên là 99,4 tỷ đồng (tương đương 298 triệu đồng/m2), chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Được biết, Khu đấu giá 18,6 ha Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội là nơi tọa lạc của nhiều khu biệt thự. Đây là nơi có giá đất đắt đỏ bậc nhất Hà Nội. Trên các trang tin rao bán bất động sản, vẫn thường xuyên xuất hiện những tin bán đất nền khu vực này. Giá chào bán dao động từ 300 triệu đồng/m2 đến khoảng 350 triệu đồng/m2.
Bình Dương xem xét đầu tư khu liên hợp thể thao rộng 200ha
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương vừa đề xuất với UBND tỉnh này về danh mục đầu tư các công trình văn hóa và xây dựng khu liên hợp công nghiệp thể thao Bình Dương rộng 200ha.
Theo đó, các dự án văn hóa được Sở này đề xuất tiếp tục xây dựng như: Khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Tu bổ, phục hồi di tích cấp quốc gia Khảo cổ Dốc Chùa, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh; Xây dựng tượng đài Trung tâm, nhà bia, các hạng mục công trình phục chế, tranh tượng, phù điêu Khu di tích Chiến khu Long Nguyên; Khu tưởng niệm Chiến khu Đ giai đoạn II (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) và các hạng mục phụ trợ; Bảo tàng gốm sứ; Thư viện số; Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh; Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh; Nhà hát biểu diễn nghệ thuật đa năng của tỉnh; các Trung tâm văn hóa lao động đạt chuẩn; Công viên văn hóa kết hợp Quảng trường tại khu vực đối diện tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh…
Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đề xuất đưa dự án khu liên hợp hợp Công nghiệp Thể thao Bình Dương đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương thì quy mô đầu tư Khu Liên hợp dự kiến rộng từ 200ha, chia làm 4 phân khu, gồm: Sân vận động trung tâm, Nhà thi đấu Thể dục thể thao đa năng, Khu thi đấu thể thao dưới nước, Khu dịch vụ thể thao và các công trình khác.
Chủ trương chung là xây dựng Khu Liên hợp Công nghiệp Thể thao Bình Dương đảm bảo hài hòa, khoa học, phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đề xuất này, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương rà soát bổ sung, thống nhất danh mục các công trình văn hóa, thể thao cấp tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố rà soát đưa vào quy hoạch danh mục các công trình văn hóa cấp huyện như: Trung tâm văn hóa, công viên trung tâm, sân vận động, công viên ven sông… Các sở ngành, địa phương tiếp tục phối hợp đề xuất địa điểm xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp Thể thao, từ đó hoàn chỉnh phương án trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đưa vào quy hoạch.