Tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực logistics

(CL&CS) - Lĩnh vực logistics mang tính đa ngành, bao hàm rộng, không chỉ bao gồm vận chuyển hàng hóa mà còn tập trung quản lý dòng dịch chuyển hàng hóa và dịch vụ cũng như các thông tin liên quan.

Kinh tế phát triển không ngừng kéo theo lĩnh vực logistics phát triển. Thương mại quốc tế càng mở rộng thì logistics càng phát triển hơn. Tiêu chuẩn hóa vừa là hoạt động song hành vừa là hoạt động định hướng cho phát triển. Trong 2 năm gần đây dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho nền kinh tế, logistics là một lĩnh vực chịu thiệt hại hàng đầu. Các doanh nghiệp logistics có thể áp dụng các tiêu chuẩn để giảm bớt thiệt hại cho mình.

Tiêu chuẩn ISO về logistics tạo lòng tin cho người tiêu dùng và nhà cung cấp các dịch vụ logsitiscs đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng từ nguyên liệu thô đến vận chuyển, từ sản xuất đến bản lẻ và dịch vụ, từ người tiêu dùng đến các cơ quan quản lý và các phòng thử nghiệm phân tích. Đề xây dựng các tiêu chuẩn có tính khả thi áp dụng rộng rãi, phù hợp với nhiều khu vực, quốc gia, nền văn hóa khác nhau, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO (ISO) đã tập hợp tất cả các bên có liên quan để chia sẻ các thực hành tốt nhất, quảng bá các công nghệ cập nhật với trình độ khoa học công nghệ hiện hành và đảm bảo an toàn và chất lượng. Đối với lĩnh vực logistics, ISO xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho các đối tượng từ công cụ, thiết bị vận chuyển, sản xuất, từ chất lượng đến an toàn để quản lý và truy xuất nguồn gốc, từ ghi nhãn đến bao gói và bảo quản sản phẩm cũng như yêu cầu quá trình thực hiện. Do lĩnh vực logistics mang tính đa ngành, nên tiêu chuẩn liên quan đến logistics cũng liên quan đến nhiều chuyên ngành.

Tổ chức ISO đã thành lập 05 Ban kỹ thuật (BKT) để xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực logisitics, bao gồm: BKT về Pallet cho đơn vị vận tải hàng hóa, BKT về công te nơ chở hàng, BKT về bao bì đóng gói, BKT về hệ thống vận chuyển thông minh, BKT về chuỗi logistics đối với hàng hóa bảo quản lạnh. Ngoài ra, còn các BKT xây dựng các tiêu chuẩn phương tiện vận tải, dữ liệu mã hóa sản phẩm, thiết bị

Trong quá trình mở cửa thương mại thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế ISO được chấp nhận ngày một nhiều tại khắp các quốc gia trên thế giới. Rào cản trong thương mại với thế giới có thể được loại bỏ bằng cách cung cấp các tiêu chuẩn làm cơ sở kỹ thuật trong các điều khoản của các hiệp định thương mại ở các cấp khu vực và quốc tế. Do đó việc hài hòa trong việc chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế luôn được rà soát lại, cải tiến cập nhật như là cơ sở kỹ thuật cho các quy chuẩn thân thiện với thị trường đáp ứng sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp.

 Ở Việt Nam hiện nay có khoảng trên 100 tiêu chuẩn quốc gia TCVN liên quan  đến lĩnh vực logistics, như các TCVN về dịch vụ chuỗi vận tải;  công te nơ thông dụng; bao bì vận chuyển; palet thông dụng và mã số, mã vạch.

Hiên nay nhiều tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực logistics được các doanh nghiệp áp dụng vào hoạt động kinh doanh dịch vụ của mình. Ngoài các tiêu chuẩn nói trên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics quan tâm nhiều hơn đến việc khẳng định chất lượng của mình, bằng cách các doanh nghiệp logistics áp dụng những tiêu chuẩn ISO về các hệ thống quản lý.

Trong lĩnh vực logistics, ISO 28000 là bộ tiêu chuẩn mới về quản lý an ninh chuỗi cung ứng. Bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO 28000 chỉ rõ những yêu cầu cho một hệ thống quản lý an ninh nhằm bảo đảm cho sự an toàn trong chuỗi cung ứng. Các tiêu chuẩn này có thể được áp dụng trong các tổ chức logistics với mọi quy mô liên quan đến các công đoạn như sản xuất, dịch vụ, kho bãi hay vận tải bằng đường không, đường sắt, đường biển và tại bất kỳ giai đoạn nào của quá trình sản xuất hay cung ứng.

Tiêu chuẩn "Bao bì - Mã vạch một chiều và mã vạch hai chiều cho bao bì sản phẩm" (theo ISO 22742) giới thiệu Mã vạch được thiết kế ghi trên nhãn bao bì sản phẩm để tạo thuận lợi cho tự động hóa các hoạt động kiểm kê, phân phối, sửa chữa và mua hàng. Thông tin mã vạch trên nhãn bao gói sản phẩm có thể được sử dụng như một chìa khóa để truy cập cơ sở dữ liệu phù hợp, chứa thông tin chi tiết về sản phẩm bao gồm thông tin được truyền qua trao đổi dữ liệu điện tử (EDI). Ngoài ra, nhãn bao bì sản phẩm có thể chứa các thông tin khác theo thỏa thuận giữa các đối tác thương mại. Mã vạch hai chiều có thể hỗ trợ việc truyền tải lượng lớn dữ liệu sản phẩm từ người gửi sang người nhận. Trong khi ISO 15394 hỗ trợ chức năng vận chuyển trong chuỗi cung ứng (ví dụ: từ bến tàu, qua các quá trình vận chuyển, và đến bến nhận), thì tiêu chuẩn này hỗ trợ các chức năng logistic trước và sau vận chuyển. Tại điểm xuất phát, tiêu chuẩn này được thiết kế để sử dụng cho quá trình từ khi sản xuất đến khi bảo quản, lựa chọn và đóng gói, giao hàng đến bến tàu và tất cả các quy trình kiểm kê liên quan. Tại điểm đến, tiêu chuẩn này được thiết kế để sử dụng từ bến nhận hàng để kiểm tra đơn hàng, lưu kho, tiêu thụ và tất cả các quy trình kiểm kê liên quan và quy trình logistics ngược lại.

ISO 28219:2017, Bao bì - Ghi nhãn và Ghi dấu sản phẩm trực tiếp với mã vạch một chiều và mã vạch hai chiều (Packaging - Labelling and direct product marking with linear bar code and two-dimensional symbols). Tiêu chuẩn này xác định các yêu cầu tối thiểu để xác định mặt hàng, cung cấp hướng dẫn đánh dấu mặt hàng bằng các ký hiệu có thể đọc được bằng máy, bao gồm cả nhãn và đánh dấu trực tiếp mặt hàng, các quy trình thử nghiệm đối với các đặc tính của chất kết dính nhãn và độ bền của nhãn hiệu, hướng dẫn cho định 40 dạng trên nhãn dữ liệu được trình bày dưới dạng mã vạch một chiều và hai chiều có thể đọc được.

Tiêu chuẩn "Bao bì - Bao bì vận chuyển đã điền đầy, hoàn chỉnh - Nguyên tắc chung để xây dựng chương trình thử nghiệm tính năng" (theo ISO 4180:2019)  thiết lập các nguyên tắc chung cho việc biên soạn lịch trình kiểm tra tính năng đối với các gói vận chuyển đã điền đầy, hoàn chỉnh nhằm mục đích sử dụng trong bất kỳ hệ thống phân phối nào ngoại trừ các gói được sử dụng cho hàng nguy hiểm. Tại tiêu chuẩn này, có nêu ra những mối nguy dự kiến trong hoạt động logisitics và các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan để tiến hành thử nghiệm các chỉ tiêu phù hợp.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình các doanh nghiệp logistics cần tiếp tục chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực logistics cũng như đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn ISO về các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng./.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN