Tiêu chuẩn hóa cho thiết kế sinh thái xanh
Theo ngài Christopphe Garnier – Chủ tịch IEC TC111, đơn vị này đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn theo chiều ngang có vai trò then chốt trong việc giúp đảm bảo các sản phẩm công nghệ mới có chức năng bảo vệ môi trường để hỗ trợ các nền kinh tế thời đại công nghệ số hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bằng hệ sinh thái xanh.
Để có được tăng trưởng xanh thì tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng.
Cũng theo Chủ tịch IEC TC111, trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, điều cần thiết hơn bao giờ hết là phát triển các tiêu chuẩn hài hòa và được quốc tế công nhận để đảm bảo một sân chơi công bằng giữa các bên liên quan khác nhau, từ các nhà sản xuất vật liệu, hàng hóa và sản phẩm thô hoặc cũ, cho đến người dùng cuối.
Tiêu chuẩn hóa môi trường giảm thiểu tác động của sản phẩm đối với sức khỏe con người cũng như sự cạn kiệt tài nguyên hoặc ô nhiễm nguồn nước. Các tiêu chuẩn cũng là công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống rác tải điện tử, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất đáp ứng các yêu cầu pháp luật về kiểm soát các chất độc hại.
Khi đánh giá mức độ các chất độc hại trong một sản phẩm điều quan trọng nhất là sử dụng cùng một tiêu chuẩn quốc tế để mô tả phương pháp thử, để đo hàm lượng chất độc hại tiềm ẩn. Điều này sẽ giúp việc cải thiện tái chế và quản lý cuối vòng đời của sản phẩm, theo quan điểm kinh tế tuần hoàn.
Các tiêu chuẩn cung cấp cơ sở để truyền thông tin cậy, hài hòa và dễ hiểu về các cách khác nhau mà sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường. Cải thiện tính minh bạch giúp khách hàng đưa ra quyết định mua đúng đắn và cải thiện hoạt động mua sắm xanh.
Đóng góp của kinh tế tuần hoàn vào phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, để có được sự phát triển bền vững thì kinh tế tuần hoàn cần phải được xây dựng một cách chi tiết. Chẳng hạn, kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn phải là bán hàng hóa dưới dạng dịch vụ. Điều này cho phép các chủ thể kinh tế giữ quyền sở hữu hàng hóa của họ và các nguồn lực thuộc về nó. Cùng với đó, trong kinh tế tuần hoàn cần có nền tảng chính trị bền vững với các giải pháp đơn giản, chẳng hạn như đánh thuế tài nguyên không thể tái tạo hay tạo thuận lợi, có cơ chế đặc thủ việc các nguyên liệu phục vụ sản xuất xanh.
Kinh tế tuần hoàn là đòn bẩy cho sự phát triển bền vững
Giữa kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn có sự khác biệt rõ ràng đó là kinh tế tuần hoàn không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, do đó nó là kết thúc mở. Việc tối ưu hóa hệ thống chỉ có thể được thực hiện trong vòng lặp, chẳng hạn như việc doanh nghiệp tối ưu quản lý kho cũng như chất lượng và hiệu suất của nguyên liệu cũng là một điểm mà kinh tế tuần hoàn mang lại sự phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn vượt ra ngoài cách tiếp cận bền vững cổ điển, bởi vì nó không chỉ ít gây hại cho môi trường mà còn cung cấp các phương án để thay đổi nền kinh tế và xã hội. Kinh tế tuần hoàn giúp phát triển bền vững nhờ thay đổi hành vi của khách hàng và thúc đẩy ý thức phải nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.
Kinh tế tuần hoàn cũng cung cấp một hệ thống dịch vụ chức năng cho các nhà sản xuất và bán lẻ. Mục đích là giữ quyền sở hữu nguyên liệu sản phẩm của họ càng lâu càng tốt. Đây là một sự thay đổi bắt buộc trong các mô hình kinh doanh và lối tư duy truyền thống để thúc đẩy sự phát triển bền vững từ kinh tế tuần hoàn.
Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, tiết kiệm vật tư nguyên liệu và bảo vệ được môi trường sống không bị phá hoại do ảnh hưởng của quá trình phát triển kinh tế như một số các nước đã gặp phải. Bên cạnh đó, khi Việt Nam theo kịp được các nước trên thế giới sẽ tạo cơ hội cho nước ta thu hút được nguồn đầu tư từ kinh tế tuần hoàn của các nước khác đối với thị trường của Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam hùng cường, phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.