Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp Đội 7 – PC03, Công an TP.HCM kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của Điểm kinh doanh và chứa trữ hàng hóa Nhật Si 68 tại đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Đông, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, do ông N.K.H Linh là chủ kinh doanh.
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện 1903 đơn vị sản phẩm áo, giày, dép, túi xách chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam (Louis Vuitton, Gucci, Dior,…). Tổng giá trị hàng hoá là 195.370.000 đồng.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông N.K.H Linh trình bày toàn bộ hàng hóa nêu trên do ông làm chủ sở hữu, được mua trôi nổi trên thị trường trong nước, khi mua không có hóa đơn chứng từ, không rõ họ tên đầy đủ, số điện thoại và địa chỉ cụ thể của người bán, hàng hóa mới mua về trưng bày để bán nhưng chưa bán thì bị kiểm tra, tạm giữ.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước đó, trong 2 ngày 1-2/11, Tổng Cục QLTT đã kiểm tra, kiểm soát các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (TP.HCM).
Lực lượng QLTT đã đồng loạt kiểm tra 6 điểm kinh doanh các mặt hàng như túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci, Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes… với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Qua hơn 1 ngày kiểm đếm, phân loại sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, lực lượng QLTT đã tiến hành các thủ tục tạm giữ gần 2.000 sản phẩm để tiếp tục xử lý.
Theo điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng; hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hay nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.
Những tháng cuối năm, tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có những diễn biến phức tạp khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Do đó cần xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ... Tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ; tích cực vào cuộc cùng cơ quan chức năng lên án, đấu tranh các hành vi vi phạm.
Chủ động đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm; củng cố các cơ sở nắm thông tin về các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng địa phương nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vận chuyển hàng cấm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.