Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi cho năng suất cao

(CL&CS) - Mặc dù không phải là thủ phủ trồng sầu riêng nhưng trong những năm gần đây, cây sầu riêng được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Thuận, mang lại lợi nhuận tương đối ổn định cho người trồng.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo mô hình “Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi” quy mô 40 ha tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. 

Theo đó, từ tháng 8/2023 đến nay, với nguồn kinh phí thuộc Chương trình Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp huyện Hàm Thuận Bắc và xã Đa Mi, Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Đa Mi (HTX SXKD -DVNN) triển khai mô hình “Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi” với quy mô 40 ha/11 hộ.

Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi cho năng suất cao

Các hộ nông dân được hỗ trợ 40% về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 441 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, chứng nhận VietGAP cho 40 ha/11 hộ với tổng kinh phí 238 triệu đồng; hỗ trợ 200.000 tem truy xuất nguồn gốc.

Theo Trung tâm Khuyến nông và các hộ thực hiện mô hình đánh giá, qua 1 năm thực hiện mô hình, cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển khá tốt, cho trái đều ở cả 11 hộ tham gia. Bên cạnh đó, tỷ lệ sâu gây hại không đáng kể. Quá trình chăm sóc, các hộ dân không dùng thuốc cỏ mà dùng phân hữu cơ vi sinh để bón, tăng cường sử dụng thuốc sinh học, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học, tuân thủ đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch sản phẩm. Đến nay, 40/40 ha thâm canh sầu riêng của HTX SX - KD – DVNN Đa Mi đã được tổ chức chứng nhận FAO cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

Hiện nay, sản phẩm sầu riêng từ mô hình được HTX thu mua với mức giá theo thị trường dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg đối với giống Ri 6 (lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/ha) và 80.000 - 90.000 đồng/ kg đối với giống Monthon (lợi nhuận 1,754 tỷ đồng/ha). So với vườn ngoài mô hình, sản xuất 1 ha sầu riêng trong mô hình có lợi nhuận cao hơn 55 triệu đồng/ha.

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mục tiêu thực hiện mô hình nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng an toàn theo liên kết chuỗi, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 15 -20%. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác. Nhân rộng mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP hàng năm tại các vùng trọng điểm của tỉnh.

Được biết, những năm gần đây, cây sầu riêng được trồng ở nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại lợi nhuận tương đối ổn định cho người trồng. Diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh hơn 3.300 ha, tập trung ở 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh và Tánh Linh. Trong đó, có 1.800 ha đang trong thời kỳ kinh doanh với năng suất bình quân 15 - 30 tấn/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 50.000 tấn mỗi năm.

TIN LIÊN QUAN