TCVN 5603:2023 là một cơ sở thích hợp làm chuẩn để doanh nghiệp áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 1 người mắc bệnh truyền qua thực phẩm. Nhiều năm qua, các vấn đề mất an toàn thực phẩm, ngộ độc do sử dụng rượu chứa metanol hoặc sử dụng thức ăn nhiễm khuẩn… liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn.
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BKHCN về công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 “Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm”. Theo đó, tiêu chuẩn HACCP do Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX ban hành đã được biên soạn thành tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, với số hiệu TCVN 5603. TCVN 5603:2023 là phiên bản thứ tư, được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn CODEX là CXC 1 (2020) và thay thế TCVN 5603:2008.
So với phiên bản năm 2008, TCVN 5603:2023 có những thay đổi như sau: Về cấu trúc tiêu chuẩn, TCVN 5603:2023 được bố cục lại gồm hai chương: Chương 1 Thực hành vệ sinh tốt (GHP), Chương 2 Hệ thống phân tích mối nguy, điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), với các nội dung hướng dẫn chi tiết.
Về nội dung, TCVN 5603:2023 đã được bổ sung một số nội dung như quy định về cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng HACCP, quy định về cải tiến liên tục, khiến tiêu chuẩn này tiến gần hơn với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý của ISO.
TCVN 5603:2023 cũng yêu cầu cơ sở sản xuất phải áp dụng tiêu chuẩn phải thực chất hơn, trở thành “văn hóa an toàn thực phẩm”, thể hiện trong việc nâng cao ý thức vệ sinh thực phẩm cho toàn thể nhân viên, cải tiến chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên về vệ sinh và an toàn thực phẩm...
Bên cạnh các mối nguy vật lý, hóa học và sinh học, TCVN 5603:2023 còn bổ sung quy định bắt buộc kiểm soát chất gây dị ứng. TCVN 5603:2023 cũng bổ sung yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nhấn mạnh hướng dẫn người tiêu dùng về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh thực phẩm phù hợp như rửa tay đúng cách, bảo quản và nấu nướng đúng cách, tránh ô nhiễm chéo.
Có thể nói, sự ra đời của TCVN 5603:2023 là một cơ sở thích hợp làm chuẩn để doanh nghiệp áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn của sản phẩm cung cấp ra thị trường, đồng thời góp phần tích cực vào tăng uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trong việc áp dụng có thực chất và tuân thủ nghiêm túc theo các yêu cầu mà tiêu chuẩn đặt ra.