SCIC thành lập năm 2005 và giao quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao.
Nói nôm na, SCIC quản lý vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước sao cho có hiệu quả nhất. Thế nhưng, trong nhiều quý gần đây, SCIC khiến dư luận băn khoăn khi ôm cả “núi tiền” đi gửi ngân hàng thay vì đưa vào sản xuất kinh doanh, tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình trạng này tiếp tục lại diễn ra. Bên cạnh đó, SCIC còn gây chú ý khi tổng tài sản giảm tới 19.327 tỷ đồng.
Tài sản giảm 19.327 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018, tại thời điểm 30/6/2018, tổng tài sản của SCIC đạt 41.749 tỷ đồng, giảm 19.327 tỷ đồng, tương đương 31,6% so với hồi cuối năm 2017. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn “đóng góp” nhiều nhất vào đà “lao dốc” tài sản của SCIC.
SCIC tiếp tục ôm "núi tiền" đi gửi ngân hàng. |
Cụ thể, sau 6 tháng, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SCIC giảm 16.222 tỷ đồng, tương đương 37,7%. Chỉ tiêu này giảm khi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giảm về 0 đồng từ con số 16.955 tỷ đồng hồi cuối năm 2017. SCIC cho đã có lý giải cho việc Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của Tổng công ty “bốc hơi”.
SCIC cho biết theo Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 6/12/2017 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2017, Công văn số 13135/VPCP-KHTH ngày 8/12/2017 của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 11718/BCT-TCDN ngày 28/12/2017 của Bộ Tài chính về việc bàn giao Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, từ ngày 1/1/2018 , Tổng công ty đã bàn giao Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về Bộ Tài chính quản lý.
Trong danh sách các chỉ tiêu của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu niêm yết, trái phiếu và chỉ tiêu khác lần lượt giảm từ 4.581 tỷ đồng, 1.438 tỷ đồng, 4.580 tỷ đồng và 6.311 tỷ đồng xuống 0 đồng.
Ôm “núi tiền” gửi ngân hàng
Trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC lại lặp lại vấn đề từng khiến dư luận xôn xao trong suốt thời gian qua. Đó là tiếp tục ôm “núi tiền” gửi ngân hàng.
19.833 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng trong danh mục các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng từ 18.980 tỷ đồng hồi cuối năm 2017. Đó còn chưa kể 22 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng được hạch toán trong chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền”.
Kết quả là doanh thu từ lãi tiền gửi và lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu tăng vọt từ 595 tỷ đồng lên 731 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia lại giảm thảm, giảm từ 1.855 tỷ đồng hồi 6 tháng đầu năm 2017 xuống chỉ còn 1.152 tỷ đồng.
Doanh thu giảm là yếu tố khiến lợi nhuận của SCIC tăng trưởng âm. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của SCIC chỉ đạt 1.942 tỷ đồng, giảm 459 tỷ đồng, tương ứng 19,11% so với quý 2/2017.
Bên cạnh doanh thu, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng góp phần khiến lợi nhuận SCIC đi lùi. Chỉ tiêu này tăng 27 tỷ đồng, tương ứng 29% so với 6 tháng đầu năm 2017. Điều đáng nói, chi phí này tăng mạnh khi SCIC giảm nhân sự từ 272 người xuống 266 người.
Có thể thấy, SCIC đang phát sinh nhiều vấn đề nhưng vấn đề dư luận quan tâm nhất chính là ôm “núi tiền” đi gửi ngân hàng thay vì đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết SCIC có 2 nhiệm vụ, là công ty đầu tư vốn, được giao quản lý quỹ hỗ trợ quản lý và sắp xếp doanh nghiệp, SCIC là người sử dụng quỹ, việc chi quỹ do Thủ tướng quyết định. Vì vậy, ông Tiến khẳng định SCIC được quyền quản lý và đem gửi tiết kiệm. Tất cả lãi đều được hoàn nhập để tăng số dư quỹ.
Vy Vy