Sóc Trăng: Ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp

(CL&CS)- Xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Trước tác động chung từ biến đổi khí hậu, rào cản kĩ thuật, nước nhập khẩu, thị trường tiêu dùng đã gây ra nhiều thách thức đến lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng là sản xuất nông  nghiệp. Để thích ứng thì đòi hỏi tư duy quản lý, phương thức canh tác và nhận thức của người trực tiếp sản xuất phải thay đổi đồng bộ. Theo đó, nhiều chương trình, dự án, đề án đã “trợ lực” khơi thông nhiều điểm nghẽn cho các mặt hàng chủ lực của Sóc Trăng nâng cao khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường, trong đó có các Đề án: Sản xuất phát triển lúa đặc sản; Phát triển tôm nước lợ; Phát triển nông nghiệp hữu cơ và Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản...

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng đạt 1,5 tỷ USD, trong đó, Thủy sản là 950 triệu USD, chiếm gần 65% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; Gạo chiếm gần 450 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; Trái cây xuất khẩu đạt 3 triệu USD, tăng 2 triệu USD so với năm 2022.

Để đạt được những kết quả trên, ngoài việc sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Sóc Trăng thì việc các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp

Đánh giá về hiệu quả đạt được, Ông Lê Trung Tâm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng cho biết, công tác hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN, xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí, công lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các sản phẩm của mô hình có chất lượng tốt, an toàn, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp an toàn, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác bền vững, an toàn cho người và môi trường.

Điển hình về kết quả triển khai xây dựng và chuyển giao hàng loạt mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN phải kể đến Dự án “Xây dựng mô hình trồng nấm mối đen (Xerula radicata) tại tỉnh Sóc Trăng” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì thực hiện dự án từ tháng 12/2022 đến nay. Kết quả dự án đã giúp hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm mối đen, góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng, tăng thu nhập cho người dân và phát triển bền vững nghề nông tại tỉnh Sóc Trăng.

Từ nhiệm vụ “Xây dựng mô hình nhân giống cây hoa và chuối bằng phương pháp nuôi cấy in vitro tại Trại Thực nghiệm công nghệ sinh học” và nhiệm vụ “Xây dựng mô hình nuôi cấy mô giống khóm MD2, hoa lan và hoa thược dược phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại tỉnh Sóc Trăng” đã góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh lân cận.

Hiện tại, trung tâm đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi cấy mô một số loại cây trồng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng” trên các đối tượng cây trồng như khóm MD2, chuối già Nam Mỹ, hoa lan ngọc điểm và hoa cúc pico. Mô hình trồng nấm bào ngư ứng dụng công nghệ tưới tự động với kết quả tương đối khả quan và đang được nhân rộng cho các địa phương trên địa bàn tỉnh như các huyện Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Kế Sách, Châu Thành, thành phố Sóc Trăng.

Mô hình tưới tự động trên cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng đã được triển khai trên các đối tượng cây trồng như cây táo hồng tại huyện Châu Thành, cây chanh dây ngọt tại huyện Long Phú, cây bưởi tại huyện Cù Lao Dung, trên các loại rau màu ở huyện Trần Đề, Mỹ Tú. Mô hình nuôi lươn bằng phương pháp tuần hoàn nước được triển khai tại thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Tú giúp hạn chế mầm bệnh xâm nhập, đồng thời tiết kiệm nước, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo được chất lượng sản phẩm; tăng sản lượng; cải thiện và làm gia tăng tốc độ tăng trưởng, tăng hiệu quả sản xuất xử lý nước ô nhiễm và giúp kiểm soát quá trình xả thải. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, hình thành và phát triển công nghệ nuôi tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Mô hình sử dụng nấm xanh (Metarhizium anisopliae) phòng trừ rầy nâu hại lúa đã được triển khai tại các huyện Châu Thành, Thạnh Trị. Mô hình trên không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch, phù hợp với tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn...

Theo lãnh đạo Sở KH&CN Sóc Trăng, việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và thu nhập cho người dân địa phương. Do đó, Sóc Trăng luôn chú trọng việc ứng dụng, phát triển KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động KHCN, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các tiến bộ KHCN trong sản xuất nông lâm nghiệp đã có nhiều đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đưa tiến bộ KHCN ứng dụng vào sản xuất ở từng lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả đạt được từ các nhiệm vụ KHCN có hiệu quả, ngành KH&CN đã tổ chức bàn giao kết quả, sản phẩm nhiệm vụ khoa học đã nghiệm thu cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, duy trì, nhân rộng trong sản xuất, đồng thời tuyên truyền đẩy mạnh công tác chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát huy nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học.

Việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm công nghệ phù hợp với điều kiện của địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp, việc xây dựng bảo hộ xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương cũng đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát huy hiệu quả, lợi thế của những sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương trong tỉnh, từ đó thúc đẩy quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

TIN LIÊN QUAN