Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết dù tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở mức 2 con số và tạo được dấu ấn lớn trong năm 2021 nhưng sang năm 2022, ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đối diện với khá nhiều thử thách.
Cùng với dịch bệnh, căng thẳng chính trị leo thang gây trở ngại thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã có nhiều trở ngại từ trước, giá logistic lẫn giá nguyên vật liệu đều tăng cao khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp biến động mạnh.
Bên cạnh đó, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đang khiến đơn hàng bắt đầu giảm, thêm vào đó, những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành mối đe doạ cho sự phát triển toàn ngành.
Để ứng phó với các thách thức này, theo ông Bùi Chính Nghĩa, doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, củng cố nội lực, tăng khả năng cạnh tranh… để giữ vững vị thế xuất khẩu đồ nội thất. Bởi vậy, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam liên tục triển khai các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và VNTLAS ở Việt Nam thời gian qua.
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, toàn ngành đang nỗ lực phấn đấu đạt tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc ở mức 42,02%; trồng rừng đạt 244.000 ha, trồng cây phân tán đạt 121,6 triệu cây.
Tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3, trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung là 21 triệu m3; khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3; diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt 90.000 ha.
“Nếu việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, giải quyết được những vướng mắc của chuỗi cung ứng, đưa nguồn gỗ rừng trồng hợp pháp đến được với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thì sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nền công nghiệp nội thất nước nhà”, ông Bùi Chính Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ triệt để các quy định của thị trường quốc tế, vững vàng nội lực và củng cố thêm lợi thế cạnh tranh… để giữ vững vị trí xuất khẩu nội thất thứ 2 thế giới.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp thường xuyên công bố các loại gỗ nhập khẩu vào Việt Nam; công bố vùng địa lý tích cực giúp doanh nghiệp xác định được khu vực có nền quản trị rừng tiên tiến và khuyến khích nhập khẩu gỗ từ những thị trường đó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban thành Thông tư 21/2021/TT-BNNPTNT Quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ để triển khai Nghị định 102/2020/NĐ-CP Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam và tiến tới cấp Giấy phép FLEGT cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang EU.
“Dự kiến năm 2025, sau khi Việt Nam chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết thì việc cấp Giấy phép FLEGT sẽ được thực thi”, ông Bùi Chính Nghĩa thông tin.
Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh nguyên liệu nhập khẩu đang khan hiếm và giá cả leo thang hiện nay, một trong những lợi thế mà doanh nghiệp trong ngành có thể tận dụng, là trữ lượng rừng trồng trong nước đã bước vào giai đoạn có thể khai thác.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng cho rằng, việc thực thi các quy định phát triển lâm sản bền vững là yêu cầu sống còn, không chỉ riêng ngành chế biến gỗ Việt Nam mà của cả thế giới. Trong tinh thần và mục tiêu chuyển đổi số ngành chế biến gỗ, HAWA đang đồng hành cùng Chính phủ lẫn doanh nghiệp đẩy mạnh số hoá tiến trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, VNTLAS. Đó là nền tảng HAWA DDS.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, HAWA DDS là dự án xoá bỏ vướng mắc trong quá trình chứng minh nguồn gốc hợp pháp gỗ rừng trồng, bước chuẩn bị hết sức cần thiết để có thể đưa gỗ, sản phẩm gỗ trong nước sang thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU.
Từ tháng 5/2018, FAO EU FLEGT đã tài trợ, đồng hành để Hội Mỹ nghệ và HAWA đã triển khai dự án HAWA DDS, với mục tiêu xây dựng một nền tảng cung cấp các công cụ giúp doanh nghiệp truy xuất và giải trình nguồn gốc gỗ nguyên liệu hợp pháp phù hợp với các cam kết trong Hiệp định VPA/FLEGT.
Chỉ cần truy cập nền tảng HAWA DDS, người dùng, từ chủ rừng đến nhà khai thác, doanh nghiệp thương mại, nhà sản xuất, nhà mua hàng đều có thể tìm kiếm thông tin, quản lý lẫn chứng minh, nguồn gốc nguyên liệu một cách rõ ràng mà không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống giấy tờ, thủ tục lưu trữ, tra xét thủ công như trước đây.
Sau 3 năm với nhiều điểu chỉnh, cập nhật, tháng 5/2021, Bộ tiêu chuẩn HAWA DDS đã chính thức hoàn thành và tương thích hoàn toàn với nền tảng công nghệ thông tin về truy xuất và giải trình nguồn gốc gỗ HAWA DDS 1.0.
HAWA DDS 1.0 tích hợp nhiều tính năng hữu ích hỗ trợ khai báo và lưu trữ hồ sơ rừng, hồ sơ mua bán cây đứng, hồ sơ đăng ký khai thác, lưu thông giúp cho việc tra xét, truy xuất và xác minh nguồn gốc gỗ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và đơn giản.
Nhờ vậy, chỉ cần truy cập nền tảng HAWA DDS, người dùng, từ chủ rừng đến nhà khai thác, doanh nghiệp thương mại, nhà sản xuất, nhà mua hàng đều có thể tìm kiếm thông tin, quản lý lẫn chứng minh, nguồn gốc nguyên liệu một cách rõ ràng mà không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống giấy tờ, thủ tục lưu trữ, tra xét thủ công như trước đây.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước tính đạt 1,55 tỷ USD, tăng 7,9% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, so với mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD trong năm nay thì ngành hàng đã thực hiện được 40% kế hoạch đề ra.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 5/2022 ước đạt 1,02 tỷ USD, giảm 8,9% so với tháng 5/2021, tuy nhiên tính chung 5 tháng, xuất khẩu sản phẩm gỗ vẫn đạt 5,2 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021.