Sắp có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm

(CL&CS) - Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về đơn vị đăng kiểm QCVN 103:2023/BGTVT (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Dự thảo quy định yêu cầu về kỹ thuật đối với xưởng kiểm định, vị trí kiểm tra, nhà văn phòng, thiết bị, dụng cụ kiểm tra, phần mềm quản lý, hạ tầng công nghệ thông tin và trách nhiệm của đơn vị có liên quan. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn này quy định về cơ sở vật chất của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (sau đây gọi là đơn vị đăng kiểm). Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý, hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (không bao gồm xe cơ giới sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng).

Yêu cầu chung của Quy chuẩn là cơ sở vật chất của đơn vị đăng kiểm bao gồm: mặt bằng; nhà xưởng; nhà văn phòng; khu vực đỗ xe; đường nội bộ; dây chuyền kiểm định; vị trí kiểm tra; phần mềm, thiết bị thông tin, lưu trữ truyền số liệu; hệ thống giám sát hoạt động kiểm định và thông tin niêm yết để đáp ứng việc kiểm định xe cơ giới;

Toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị đăng kiểm được bố trí trên khu đất mà đơn vị được quyền sử dụng hợp pháp, đảm bảo cho xe cơ giới có thể ra vào kiểm định thuận tiện, an toàn, không gây cản trở giao thông; Có khu vực dành cho xe chờ vào kiểm định và xe chờ cấp kết quả kiểm định trong khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị đăng kiểm. Các khu vực này riêng biệt với xưởng kiểm định;

Ảnh minh hoạ

Hệ thống đường giao thông nội bộ cho xe cơ giới và khu vực đỗ xe được phủ bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng; chiều rộng mặt đường không nhỏ hơn 3 mét; Có trang bị các hệ thống, thiết bị hỗ trợ, bao gồm: Hệ thống âm thanh để thông báo cho chủ xe; Màn hình hiển thị có kích thước tối thiểu 32 inch tại phòng chờ khách hàng để công khai quá trình hoạt động kiểm định ở các vị trí kiểm tra; Hệ thống camera chụp ảnh xe cơ giới vào kiểm định có hiển thị thời gian chụp trên ảnh; Hệ thống thông gió cưỡng bức ở vị trí kiểm tra khí thải.

Các thiết bị kiểm tra tối thiểu gồm: Thiết bị kiểm tra phanh; Thiết bị đo độ trượt ngang của bánh xe; Thiết bị phân tích khí xả; Thiết bị đo độ khói; Thiết bị đo âm lượng; Thiết bị kiểm tra đèn chiếu sáng phía trước; Thiết bị rung lắc (thiết bị hỗ trợ kiểm tra gầm); Thiết bị nâng (cầu nâng) xe cơ giới hoặc hầm kiểm tra...

Phần mềm điều khiển thiết bị kiểm tra phải đảm bảo các tính năng sau: Có chức năng điều khiển quá trình hoạt động của thiết bị theo quy trình kiểm tra phù hợp quy định, đảm bảo đọc ra chính xác các kết quả đo của các thiết bị và cài đặt được các giá trị ngưỡng để đánh giá phép đo. Phần mềm phải cho phép thiết lập trình tự kiểm tra của các thiết bị tùy thuộc vào phương án bố trí thiết bị tại các vị trí kiểm tra;

Chương trình phần mềm điều khiển thiết bị phải có phương thức trao đổi thông tin tin cậy với phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới để tiếp nhận xe vào hàng đợi kiểm định và trả lại các thông số đo bởi thiết bị đối với các xe đã kiểm định. Việc trao đổi thông tin này có thể thực hiện qua tệp văn bản có mã kiểm tra tránh sửa đổi dữ liệu hoặc thông qua các cơ sở dữ liệu trung gian được mã hóa hoặc có mã kiểm tra. Tệp cơ sở dữ liệu trung gian phải thể hiện các thông số đo của thiết bị theo yêu cầu tại mục 2.4.2 và ở dạng thông dụng (như Text, Microsoft Access, Microsoft SQL Server,…); thư viện hàm mã hóa/giải mã hay tạo/xác thực mã kiểm tra phải được cung cấp cho Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Cơ sở dữ liệu chương trình phần mềm điều khiển thiết bị phải được lưu trữ trên máy chủ của đơn vị, đồng thời phải được bảo mật chống truy cập và chỉnh sửa dữ liệu. Phần mềm điều khiển thiết bị phải có khả năng ngăn chặn việc can thiệp bởi người dùng hoặc thông qua phần mềm độc hại nhằm làm sai lệch kết quả kiểm tra của thiết bị...

TIN LIÊN QUAN