Trong số này xin giới thiệu thêm các thông tin về quy trình điện tử; đảm bảo an toàn y tế; đảm bảo nguồn cung thực phẩm thông qua tạm thời giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật trong bối cảnh COVID-19.
Ban thư ký WTO xây dựng một báo cáo ngắn về các chính sách liên quan tới tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của các nước Thành viên WTO ban hành nhằm đối phó với dịch Covid 19. Theo thống kê của Ban thư ký WTO, khoảng một nửa số biện pháp này nhằm mục đích tạo thuận lợi cho thương mại trong bối cảnh dịch bệnh. Chiếm 2/3 trong số các thông báo là tiêu chuẩn và biện pháp quản lý đối với thực phẩm và sản phẩm y tế thực hiện theo nghĩa vụ của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và Hiệp định về biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm (SPS). Báo cáo của Ban thư ký nêu rõ phần lớn thông báo liên quan tới COVID - 19 được gửi dưới dạng khẩn cấp nhằm đáp ứng áp lực về vấn đề y tế trong thời gian dịch bệnh. Những biện pháp này tập trung vào các thiết bị bảo hộ cá nhân, thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm… và bao gồm các nội dung chính như thủ tục chứng nhận, đảm bảo sản phẩm y tế an toàn; đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm thông qua tạm dừng yêu cầu đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật; giải quyết rủi ro COVID-19 từ động vật sống trong thương mại quốc tế. Trong Số 3 Tạp chí Chất lượng và cuộc sống đã có thông tin một số Quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong bối cảnh COVID-19 về chứng nhận và các quy trình liên quan. Trong số này xin giới thiệu các thông tin về quy trình điện tử; đảm bảo an toàn y tế; đảm bảo nguồn cung thực phẩm thông qua tạm thời giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật.
Về quy trình điện tử: Trong bối cảnh của COVID-19, nhiều nước đã thông báo về việc xây dựng quy trình thay thế cho phép kiểm tra thông qua phương tiện điện tử hoặc từ xa. Ví dụ, Brazil thông báo về thay đổi khẩn cấp và tạm thời đối với thủ tục đánh giá sự phù hợp cho phép kiểm tra từ xa (thông qua công nghệ trực tuyến và truyền dữ liệu) và đánh giá thông qua phân tích hồ sơ, bao gồm cả thông qua thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với dược phẩm và thiết bị y tế. Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã khởi động việc sử dụng công nghệ hình ảnh (ví dụ họp trực tuyến) thay cho kiểm tra tại chỗ. Ecuador xây dựng công cụ online để đánh giá và cấp chứng nhận lưu hành tự do.
Đảm bảo an toàn y tế: Một số nước thành viên đã ban hành các yêu cầu về sức khoẻ, an toàn hoặc chất lượng đối với sản phẩm y tế nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ dịch bệnh. Ví dụ Kuwait công bố một loạt tiêu chuẩn mới về máy thở, dung dịch diệt khuẩn, thiết bị y tế, PPE… trong khi Namibia và Jamaica ban hành các quy định về nước rửa tay khô và Peru quy định về khẩu trang sử dụng thông thường. Việc công bố các tiêu chuẩn này cho phép việc sản xuất trong nước đối với các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho dịch bệnh. Hoa Kỳ đã cập nhật quy định quản lý đối với việc thử nghiệm và phê duyệt máy thở, xây dựng tiêu chuẩn đặc tính mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với một số loại máy thở cá nhân phục vụ tình hình cấp cứu khẩn cấp.
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm thông qua tạm thời giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật: Một số nước Thành viên WTO đã thông báo về việc tạm thời bãi bỏ các yêu cầu kỹ thuật cho sản phẩm thực phẩm, nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khoẻ. Ví dụ, Indonesia tạm thời bãi bỏ yêu cầu chất lượng đối với các mặt hàng thực phẩm như bột, dầu ăn, đường để đảm bảo nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Thuỵ Sỹ đã tạm thời bỏ quy định ghi nhãn thực phẩm trong 6 tháng nhằm đáp ứng thiếu hụt nguyên liệu thực phẩm và nguyên liệu bao gói trong thời kỳ đại dịch COVID-19./.
Nguồn: https://www.wto.org/english/tratop_e/covid19_e/standards_report_e.pdf