Quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị trạm gốc hỗ trợ đồng thời mạng thông tin di động NR và E-UTRA

(CL&CS) - Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 20/2024/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2024 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 133:2024/BTTTT thiết bị trạm gốc thông tin di động đa công nghệ NR và E-UTRA- Phần truy nhập vô tuyến.

QCVN 133:2024/BTTTT do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2024/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Quy chuẩn này quy định đặc tính kỹ thuật và phương pháp đo đối với các loại thiết bị trạm gốc thông tin di động đa công nghệ NR và E-UTRA.

Thiết bị trạm gốc thông tin di động đa công nghệ NR và E-UTRA phải đáp ứng hoạt động trong toàn bộ hoặc một phần bất kỳ băng tần quy định trong Bảng 1 và tuân thủ theo thông tư quy hoạch băng tần của Việt Nam. Quy chuẩn áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và khai thác các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.

Về quy định quản lý, các thiết bị vô tuyến liên quan thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại điều 1.1 phải tuân thủ quy định kỹ thuật trong Quy chuẩn này; Việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với các thiết bị thuộc phạm vi của Quy chuẩn này, phương thức đánh giá sự phù hợp theo 4.3 và các quy định hiện hành.

Ảnh minh họa.

Phương thức đánh giá sự phù hợp: Việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo các phương thức: Phương thức 1, phương thức 5 và phương thức 7 được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và các sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.

Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền đã có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương).

- Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong dây chuyền chưa có chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001 hoặc tương đương) nhưng có quy trình sản xuất và giám sát đảm bảo chất lượng để đánh giá.

Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa: Áp dụng để thực hiện cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa không áp dụng được theo Phương thức 1 hoặc Phương thức 5.

Phương thức đánh giá sự phù hợp phải được ghi cụ thể trên giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

Phương tiện, thiết bị đo và thử nghiệm phục vụ đánh giá sự phù hợp: Tuân thủ các quy định pháp luật về đo lường và pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, thông tư quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định về chứng nhận và công bố hợp quy các thiết bị thuộc phạm vi của Quy chuẩn này và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.

TIN LIÊN QUAN