Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của TP.HCM quý 1/2020 sáng ngày 16/4, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, quý 1 có 1.523 doanh nghiệp tại TP.HCM đã hoàn tất hồ sơ giải thể, tăng 54,5% so với cùng kỳ, 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, 35 doanh nghiệp ở khu chế xuất, khu công nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, quý 1/2020 có 1.523 doanh nghiệp trên địa bàn đã hoàn tất hồ sơ giải thể. |
Có 998 lao động bị chấm dứt hợp đồng và 6.424 lao động phải tạm ngưng việc. TP.HCM dự kiến có khoảng 70.000 lao động sẽ bị tác động trong các tháng sắp tới do tác động của dịch đến kinh tế, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Liêm, quý 2/2020, TP.HCM sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch; nghiên cứu ban hành cẩm nang kinh doanh trong tình hình dịch bệnh.
TP.HCM sẽ làm cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với các gói hỗ trợ từ Chính phủ cũng như nguồn ngân sách địa phương, hỗ trợ người lao động khó khăn; xem xét kiến nghị gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019 kéo dài thêm 3 tháng đến ngày 30/6.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ thực hiện chương trình ổn định mặt bằng lãi suất, xây dựng kế hoạch hỗ trợ vốn; tạo điều kiện để doanh nghiệp hỗ trợ nguồn hàng, nguyên liệu tại chỗ để đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Trước đó, ngày 6/4, trong báo cáo đánh giá, bổ sung tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2020 và dự báo thời gian còn lại của năm 2020 được Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng ký cho thấy số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 có xu hướng chững lại. Tính chung quý 1/2020, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351.400 tỷ đồng , tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 552.419 tỷ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý 1 đạt khoảng 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7%.
Bên cạnh đó, tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 là 243.711 lao động, giảm 23,3%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.800 doanh nghiệp, giảm 1,6%, trong khi tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2019 tăng đến 78,1%.
Báo cáo này cũng nhận định, tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Xu hướng trên thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể. Trong quý 1, có gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gồm: 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%; 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tấn Lợi