Chiều ngày 2/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về đề xuất chính sách khuyến khích phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh theo quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải.
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ đã trao đổi về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với nhiên liệu xanh; quy hoạch không gian hạ tầng giao thông xanh, lắp đặt trạm sạc điện ở đô thị; ưu đãi cho các dự án sản xuất, nghiên cứu và phát triển phương tiện giao thông xanh; hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong nước kết nối, hợp tác với các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế thực hiện trao đổi tín chỉ carbon...
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết bộ đã xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến kiểm soát khí thải phương tiện sử dụng xăng dầu. Có chính sách khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện, nhiên liệu xanh; đầu tư hạ tầng dành cho phương tiện giao thông xanh…
Đáng chú ý, Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng phương án chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sử dụng xăng dầu sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh. Vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp xe buýt là chi phí đầu tư lớn nhưng chưa thể tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Trong đó, hiện chưa có quy định liên quan đến cho thuê tài chính đối với phương tiện giao thông công cộng; giá thành điện cung cấp cho các trạm sạc chưa hợp lý… Bộ cũng đang hỗ trợ hai thành phố xác định vùng phát thải thấp với quy định phương tiện không phát thải, hoặc phát thải thấp được phép lưu hành.
Nhiều bộ ngành cũng đã trao đổi về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với nhiên liệu xanh; quy hoạch không gian hạ tầng giao thông xanh, lắp đặt trạm sạc điện ở đô thị. Cùng đó là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà - Ảnh: VGP
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải đối với xe sản xuất trong nước và nhập khẩu; chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe cá nhân, công cộng sử dụng xăng dầu sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh; ràng buộc trách nhiệm của các địa phương trong việc ban hành chính sách quản lý xe cộ đối với khu vực ô nhiễm không khí.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về khí thải đối với xe cộ đang lưu hành; tiêu chí xác định những khu vực, địa bàn có chỉ số ô nhiễm không khí cao cần thực hiện các giải pháp hạn chế xe gây ô nhiễm, chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh. Cùng với đó là rà soát, bổ sung chính sách về đất đai dành cho hạ tầng phương tiện giao thông xanh; nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm một số quốc gia để tiếp cận nguồn tài chính xanh, tạo cơ hội chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát lộ trình về chuyển đổi nhiên liệu phù hợp với tiêu chuẩn khí thải đối với xe lưu hành tại Việt Nam; đề xuất chính sách khuyến khích và lộ trình sử dụng nhiên liệu xanh, sạch; nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giá bán điện lúc cao điểm và thấp điểm đối với các trạm sạc...
Ngoài ra, Bộ Tài chính xem xét sử dụng các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi sử dụng xe cộ; chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi xe sử dụng xăng, dầu sang sử dụng xe công cộng xanh...; ưu tiên cho đấu thầu, mua sắm công đối với phương tiện giao thông xanh.
Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, cập nhật quy hoạch hạ tầng giao thông (tuyến, đường, bến, điểm đỗ), khuyến khích sử dụng xe xanh vào quy hoạch chung của địa phương; xây dựng lộ trình hạn chế, chuyển đổi sử dụng xe sử dụng xăng, dầu sang phương tiện giao thông xanh tại các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí.