Theo đó, dự án tái định cư Dầu Giây có vị trí trung tâm thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Phía Bắc giáp dự án Khu dân cư A1-C1; các phía Đông, Tây và Nam đều giáp đất nông nghiệp.
Đây là khu tái định cư được đầu tư xây mới, được quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo cho việc hình thành một khu dân cư hiện đại. Quy mô dân số khoảng 7.200 người.
Dự án có tổng diện tích gần 52 ha, gồm: đất ở hơn 22,5 ha với 2.000 lô đất ở, được phân bố đều trên toàn khu với 38 dãy nhà liên kế. Khu đất thương mại dịch vụ 5.893 m2.
Các công trình hạ tầng xã hội gồm: trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; Nhà văn hóa thể thao…
Đặc biệt, dự án được cung cấp đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: Đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc... hệ thống cấp thoát nước có công suất tối thiểu 1.335 m3/ngày và được bố trí riêng biệt hoàn toàn với hệ thống thoát nước mưa.
Dự án khu tái định cư Dầu Giây được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thống Nhất làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào quý 4/2024 và hoàn thành vào năm 2027. Dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa.
Thị trấn Dầu Giây nằm giữa các đô thị và khu vực khác nhau, tạo cơ hội cho Dầu Giây trở thành một trung tâm kinh tế, dịch vụ, và cơ sở hạ tầng quan trọng trong khu vực. Quan trọng hơn, Dầu Giây đang được hướng tới trở thành đô thị loại IV vào năm 2030.
Do vậy, dự án Khu tái định cư thị trấn Dầu Giây đóng vai trò làm cơ sở và tiền đề quan trọng cho việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng giao thông, văn hóa, và xã hội trong thị trấn Dầu Giây và huyện Thống Nhất. Điều này giúp cải thiện môi trường sống và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.
Theo duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Khu tái định cư thị trấn Dầu Giây là dự án thuộc nhóm B, tổng mức đầu tư hơn 564 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 391 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác khoảng 58,695 tỷ đồng, chi phí dự phòng hơn 81 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 31 tỷ đồng, chi phí di dời hạ tầng khoảng 01 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, đến năm 2050, thị trấn Dầu Giây sẽ trở thành đô thị loại IV, là một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ đầu mối hạ tầng lớn của tỉnh Đồng Nai.
Đô thị Dầu Giây được phân thành 03 phân khu để quản lý gồm: Phân khu trung tâm hành chính huyện, phân khu giáo dục đào tạo và phát triển đô thị, phân khu công nghiệp và đô thị.
Đến năm 2030, tổng nhu cầu phát triển đất nhóm nhà ở tại Dầu Giây sẽ cần khoảng gần 396 ha. Vì vậy, bên cạnh phát triển các khu dân cư mới hiện đại, thị trấn Dầu Giây ưu tiên xây dựng: nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp phục vụ Khu công nghiệp Dầu Giây, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (giai đoạn 2) nhằm thu hút người dân đến ở tại đô thị Dầu Giây.