Dự diễn đàn có: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 450 đại biểu đại diện cho 11 triệu đoàn viên Công đoàn, hơn 18 triệu công nhân, người lao động toàn quốc.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, chuyên gia và công nhân, người lao động cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động Việt Nam.
Phát biểu tổng kết Diễn đàn và truyền thông điệp đến cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất vui mừng được tham dự sự kiện này, hoà chung không khí phấn khởi của cả nước trong những ngày tháng 5 lịch sử. Diễn đàn này càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024).
Thủ tướng đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lựa chọn chủ đề rất đúng, rất trúng, rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đánh giá cao báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu, đại diện người lao động, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.
Trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, rất tích cực, phản ánh rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong nâng cao năng suất lao động (NSLĐ); đưa ra những mô hình tốt, cách làm hay; đặc biệt là đề xuất, kiến nghị những giải pháp sâu sắc, cụ thể.
Thủ tướng cho biết, cá nhân ông nhận thấy 6 điểm chung trong các tham luận: Yêu nghề, yêu lao động; luôn học hỏi, đề cao kiến thức và tay nghề; tuân thủ kỷ luật, vệ sinh, an toàn lao động và xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng; luôn đổi mới sáng tạo; được đãi ngộ thỏa đáng về vật chất, tinh thần, nhất là về tiền lương, phúc lợi xã hội, khen thưởng, tôn vinh, người lao động; Chính phủ, Công đoàn và các chủ thể liên quan phải xây dựng hệ sinh thái lao động tốt.
Điều xuyên suốt là: Con người là trung tâm, chủ thể của tăng NSLĐ, của sự phát triển; con người vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực, động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, như Đảng và Nhà nước ta đã đúc kết.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của đoàn viên, người lao động; tập trung rà soát, tiếp thu tối đa để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp cụ thể đối với những ý kiến liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để triển khai trong thời gian tới; tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động phát huy tính sáng tạo, đổi mới, yêu nước, yêu nghề.
Theo Thủ tướng, NSLĐ là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia. Lịch sử kinh tế thế giới chứng minh NSLĐ là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Trong thế giới ngày nay, tăng NSLĐ là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Để tăng NSLĐ, từ Đại hội lần thứ XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược (cùng với thể chế và hệ thống kết cấu hạ tầng). Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - đây chính là những nhân tố căn bản, cốt lõi và tạo nền tảng để tăng NSLĐ nhanh và bền vững.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trong đó có nhiệm vụ: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng chỉ rõ: Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, NSLĐ của nước ta tăng trưởng tích cực và liên tục trong suốt gần 40 năm đổi mới và hội nhập.
Từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023 - đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.
Theo WB, tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021-2022, NSLĐ Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á (NSLĐ bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Philippines lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%; trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng lần lượt 3,5%, 1,7% và 1,5%).
Tăng NSLĐ đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Thủ tướng khẳng định, đạt được những kết quả quan trọng trên đây là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự nỗ lực của từng người lao động, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn bộ đội ngũ công nhân, người lao động trên cả nước trong việc hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng NSLĐ, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện mục tiêu tăng NSLĐ ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như nhiều đại biểu đã nêu.
Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp; trong giai đoạn 2021-2023, tỉ lệ tăng NSLĐ thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, NSLĐ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Khoảng cách về NSLĐ và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng NSLĐ nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thực sự có bước đột phá…; như hạ tầng, chuyển dịch lao động từ nông thôn sang thành thị, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức…
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng NSLĐ.
"3 đẩy mạnh" bao gồm:
(1) Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
(2) Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
(3) Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng NSLĐ.
"3 tiên phong" bao gồm:
(1) Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
(2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
(3) Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng NSLĐ, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng NSLĐ.
"3 bứt phá" bao gồm:
(1) Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề.
(2) Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen…
(3) Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp - chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ xanh. Tăng NSLĐ, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp, xanh; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt.
Thủ tướng đề nghị toàn thể anh chị em công nhân, người lao động phát huy hơn nữa vai trò của người lao động - chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải, vật chất và tinh thần cho xã hội. Không ngừng trau dồi, tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc. Đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, hiệu quả.
Nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc với nhận thức sâu sắc rằng NSLĐ gắn liền với thu nhập, chất lượng cuộc sống của chính bản thân, gia đình và mang lại lợi ích cho đất nước.
Kết thúc bài phát biểu, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Nâng cao NSLĐ là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.