Năm 2024, lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể thị trường bất động sản. Năm 2025, động lực tăng trưởng kinh tế trong nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như việc tích cực triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kỳ vọng sẽ là nền tảng quan trọng cho bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025” ThS. Đinh Lê Hạnh đến từ Tập đoàn Đinh Lê cho rằng, triển vọng về dòng vốn FDI tiếp tục rót vào Việt Nam trong tương lai được xem là động lực để BĐS công nghiệp Việt Nam phát triển. Không chỉ ở các trung tâm công nghiệp lớn như Bình Dương hay Bắc Ninh, ngay cả BĐS công nghiệp tại các thị trường cấp hai như Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng được ghi nhận sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự phát triển hạ tầng. Những động lực đó giúp các chuyên gia kỳ vọng giá cho thuê phân khúc này sẽ có cơ hội cải thiện hơn nữa.
Theo ThS. Đinh Lê Hạnh, việc Chính phủ tăng tốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm cũng là điểm cộng cho BĐS công nghiệp. Mặt khác, quy hoạch nhiều tỉnh, thành giai đoạn 2021 - 2030 được thông qua sẽ giải quyết phần nào vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các khu công nghiệp. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản khu công nghiệp năm 2024 tiếp tục duy trì vị thế và tăng trưởng.
Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ dâng cao trở lại, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử. Trong giai đoạn 2024 - 2027, Việt Nam dự kiến sẽ có thêm khoảng 15.200 ha đất công nghiệp và 6.000.000 m2 kho xưởng để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các nhà đầu tư...
Ông Hiếu Lê, chuyên gia của CBRE đánh giá, trong suốt năm qua, các nhà sản xuất toàn cầu lớn như Samsung, LG, Foxconn, Hyosung và Nestle đã công bố kế hoạch mở rộng và khởi động nhiều dự án tại nhiều khu vực khác nhau ở Việt Nam.
Đặc biệt, những cam kết mạnh mẽ trong việc mở rộng sản xuất của các đơn vị này, minh chứng bằng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục lịch sử 25 tỷ USD, là động lực cho kết quả tích cực của bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm qua.
Đối với thị trường đất công nghiệp, các khu công nghiệp ở các thị trường cấp 1 tại khu vực phía Bắc ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trung bình là 80%, trong khi khu vực phía Nam đạt 89%.
Giới chuyên gia cũng đánh giá phân khúc thị trường BĐS công nghiệp sẽ có tăng trưởng tốt nhờ đầu tư nước ngoài vào nhiều; hạ tầng cơ sở phát triển mạnh, kéo theo sự phát triển các khu công nghiệp; chu kỳ kinh tế phát triển mới nên sản xuất sẽ tăng. BĐS công nghiệp năm 2024 và năm 2025 tiếp tục là điểm sáng của thị trường. Lực đẩy chính của xu hướng này đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam năm 2025, PGS, TS. Trần Kim Chung khẳng định, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đối mặt với 5 rủi ro chính gồm: Các rủi ro quốc tế; rủi ro kinh tế vĩ mô; rủi ro chính sách, cơ chế; rủi ro thị trường; rủi ro đối tác, tuy nhiên những rủi ro này sẽ tối thiểu hóa.
Ông Chung đưa ra 3 kịch bản của thị trường bất động sản trong năm nay. Cụ thể: Kịch bản trung tính, thị trường có dấu hiệu tăng nhiệt nhưng không mạnh, đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, rõ nét nhất trong bối cảnh cuối năm 2024; Kịch bản tích cực, thị trường bùng nổ, các phân khúc đều tăng trưởng mạnh mẽ, dù vậy kịch bản này sẽ rất ít khả năng xảy ra; Kịch bản khó khăn, là kịch bản không ai mong muốn nhất, ít có khả năng xảy ra, đó là thị trường đi xuống; tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra nếu xuất hiện những yếu tố bên ngoài nền kinh tế.
PGS,TS. Trần Kim Chung kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác thể chế hóa các vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, đặc biệt là công cụ thuế và các công cụ tài chính phái sinh. Đồng thời, khẩn trương thông qua Luật Thuế bất động sản.
Ngoài ra, hiện thực hóa các cơ chế và đưa vào thực thi cơ chế, như thu hồi đất phụ cận các công trình hạ tầng đưa vào đấu giá, xây dựng theo quy hoạch tạo vốn phát triển hạ tầng. Đồng bộ hóa các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, điều quan trọng nhất là cần được đồng bộ hóa các quy hoạch và đặt trên nền bản đồ giải thửa...
Theo ông Chung, thị trường bất động sản năm 2025 phát triển theo hướng bùng nổ nếu hội tụ cùng lúc thể chế hóa đầy đủ các văn bản liên quan; đồng bộ hóa quy hoạch; tài chính hóa đầy đủ các công cụ phái sinh; số hóa các thông tin thị trường và khu biệt hóa đến thửa công tác quản lý đất đai, bất động sản.