Ngày 26/11 vừa qua, Vietnam Report công bố bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019. Trong Top 10, giữ vị trí dẫn đầu là Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, xếp thứ 2 là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xếp thứ 3 thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam, PVN).
Tổng Giám đốc PV Gas giới thiệu dự án xây dựng kho cảng LNG Thị Vải với lãnh đạo Nhà nước và PetroVietnam |
Trong 100 doanh nghiệp dẫn đầu bảng xếp hạng VNR500 còn có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí như: CTCP Lọc - Hóa - Dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco).
Đây là năm thứ 13 liên tiếp bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố. Bên cạnh việc công bố bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, Vietnam Report cũng công bố bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2019.
Trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019, tất cả các ngành hàng đều có sự tăng trưởng doanh thu, tốc độ tăng trưởng doanh thu của toàn bộ khối doanh nghiệp là 14,55%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Trong khuôn khổ công bố bảng xếp hạng VNR 500 năm 2019, Vietnam Report đã thực hiện khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhằm tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện tại, những rào cản và thách thức mà các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, cùng triển vọng kinh doanh trong giai đoạn tới.
Theo Vietnam Report, năm 2019, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Mặc dù chịu tác động không thuận lợi của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng trụ vững, duy trì mức sản xuất như các năm trước và đạt lợi nhuận tốt.
Khảo sát của Vietnam Report về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2019 cho thấy có 49,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn năm trước; 39,5% doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh cơ bản ổn định; và 11,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh giảm đi.
Top 6 rào cản chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: 58,1% các doanh nghiệp cho rằng do chiến tranh thương mại giữa các quốc gia/ nền kinh tế lớn; thủ tục hành chính phức tạp; năng lực cạnh tranh, chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu; thiếu nguồn nhân lực có tay nghề; 45,2% doanh nghiệp đánh giá sự bảo hộ thương mại nội địa cũng là rào cản lớn.
Những kết quả sản xuất kinh doanh trong năm 2019 là tiền đề và đồng thời là một trong những động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu sản xuất kinh doanh trong năm 2020. Bên cạnh đó, để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, hiệp hội doanh nghiệp có những chính sách tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp.
Như Nguyễn