Báo cáo tài chính quý III của nhóm doanh nghiệp này đã phản ánh rõ nét ảnh hưởng chung của thị trường khi doanh thu từ hoạt động cốt lõi suy giảm. Nhiều doanh nghiệp địa ốc ghi nhận lợi nhuận đến từ doanh thu khác.
Thị trường địa ốc nói chung gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 khi chính sách kiểm soát tín dụng, siết chặt trái phiếu cùng hệ thống Luật Đất đai, Nhà ở có nhiều thay đổi khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhóm ngành này trì trệ. Tuy nhiên, ghi nhận lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn tăng trưởng cao nhờ hoạt động ngoài cốt lõi cho doanh thu tăng đột biến.
Đơn cử như tại Tập đoàn Đất Xanh, mặc dù công bố lùi thời hạn mở bán 3 dự án trọng điểm là Opal Cityview, DXH Parkview và Lux Star, nhưng trong quý III/2022, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 153 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Đất Xanh ghi nhận lợi nhuận đạt 929 tỷ đồng trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.597 tỷ đồng, giảm 41.2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính tăng đột biến từ 93 tỷ đồng (9 tháng 2021) lên 429.7 tỷ đồng (9 tháng 2022), phần lớn ghi nhận trong quý III.
Cụ thể, trong quý III, Đất Xanh ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 211.6 tỷ đồng, gấp 4.5 lần so với cùng kỳ chủ yếu là khoản thanh lý đầu tư hơn 190 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính giảm gần 12%, xuống 128,8 tỷ đồng (chi phí lãi vay là 116,3 tỷ đồng). Công ty còn ghi nhận 12 tỷ đồng lợi nhuận khác so với mức 621 triệu đồng của cùng kỳ, bên cạnh đó là khoản thuế thu nhập hoãn lại gần 32 tỷ đồng.
Giám đốc một quỹ đầu tư chiến lược nhận xét, với tình hình thị trường bất động sản khó khăn, doanh thu tài chính được xem là “cứu cánh”, giúp bức tranh kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bớt xấu. Tuy nhiên, so sánh với năm ngoái thì số lượng doanh nghiệp có khả năng “đỡ” lợi nhuận bằng doanh thu tài chính không nhiều.
Còn tại Công ty cổ phần DRH Holdings (mã chứng khoán DRH), chủ đầu tư một số căn hộ cao ốc, nhà phố thương mại tại TP.HCM, Bình Dương như D-Vela Residences, Aurora Residences, Central Garden... ghi nhận lãi 5,1 tỷ đồng trong quý III/2022, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước, trong khi tổng doanh thu giảm 95%.
Lợi nhuận này đến từ lãi cho vay (6,5 tỷ đồng) mà cùng kỳ năm trước doanh nghiệp không có. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, DRH Holdings đạt doanh thu 36,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 303% và 65% so với cùng kỳ.
Khác với Tập đoàn Đất Xanh và Công ty cổ phần DRH Holdings thì Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt lại ghi nhận doanh thu chính từ việc chuyển nhượng vốn chủ sở hữu. Quý III, đơn vị này ghi nhận lãi hơn 711 tỷ đồng trong quý III/2022, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, dù doanh thu giảm 99%, chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng. Nguyên nhân lãi tăng là do Công ty hoàn thành việc chuyển nhượng 46% vốn chủ sở hữu tại Địa ốc Sài Gòn KL cho đối tác. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu 1.490 tỷ đồng, giảm 37,7%; lãi sau thuế 1.399 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chủ yếu đến từ hoạt động đánh giá lại khoản đầu tư như Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Khang Điền đạt doanh thu 1.678 tỷ đồng, giảm 47%; lợi nhuận sau thuế 971 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận sau thuế là gần 411 tỷ đồng lợi nhuận khác, bao gồm định giá lại một số tài sản vào nhóm công ty Phước Nguyên cùng Đoàn Nguyên và từ bồi thường chấm dứt hợp đồng.
Kinh Bắc lãi sau thuế hợp nhất 2.137 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 2.034 tỷ đồng, phần lớn được đóng góp bởi khoản lãi 1.997 tỷ đồng từ công ty liên kết nhờ việc đánh giá lại tài sản tại Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, ghi nhận trong quý III.
Trước thực trạng của thị trường nói chung, bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Định giá, nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển, CBRE nhận định, thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Trong đó, nguồn cung sẽ hạn chế, đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân.
Theo bà Dung, các chủ đầu tư và người mua nhà đều đang có tâm lý e ngại về thị trường trong thời gian tới, nỗi lo lớn nhất, ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là nguồn vốn. Bên cạnh đó, nỗi lo của người đã vay mua nhà là thanh khoản giảm, không dễ bán ra để trả nợ.
“Tôi cho rằng, ít nhất 50% nhà đầu tư đang mắc kẹt vào điểm này. Họ vay vốn ngắn hạn, nhưng gặp thanh khoản kém, chi phí lại tăng cao, mà bản thân họ cũng không thể trả lại sản phẩm cho chủ đầu tư, vì như vậy sẽ bị thiệt. Năm 2023, nếu không có chính sách mới để nới lỏng tiền tệ thì nhiều người sẽ gặp khó. Nếu nhà đầu tư không chịu đựng được, không tìm được lối ra thì thị trường sẽ xáo trộn”, bà Dung nói.