Nhà đầu tư bất động sản liệu có rút khỏi thị trường?

(CL&CS) - Thời gian qua, thị trường bất động sản khá trầm lắng, ảm đạm. Kể từ quý 3/2022, hầu hết các phân khúc thị trường dường như tê liệt khi dòng vốn lưu thông trên thị trường ngày càng khô hạn. Giới chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư non tay sẽ rút chân khỏi thị trường ngược lại thị trường sẽ là sân chơi mới cho nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế.

Thị trường bất động sản rơi vào cảnh khó khăn, doanh nghiệp bất động sản "đói vốn", phải chật vật xoay mình tìm cách duy trì sự tồn tại. Giao dịch suy giảm mạnh, thậm chí không có thanh khoản tại một số khu vực khiến thị trường trầm lắng.

Thêm vào đó, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần tăng lãi suất và tăng trần lãi suất tiền gửi. Trong lần điều chỉnh cuối ngày 24/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho quyết định nâng các loại lãi suất điều hành thêm 1%/năm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến hết quý 3/2022 đạt 10,5% rất gần mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng. Với kết quả này, hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ còn khoảng 3,5% cho quý cuối năm. Với hạn mức này, tín dụng sẽ tập trung ưu tiên mục đích cho và sản xuất - kinh doanh và các dịch vụ liên quan.

Các nhà đầu tư cũng như đơn vị phát triển bất động sản đang bị đẩy vào một giai đoạn đầy thách thức khi những kênh huy động vốn như phát hành trái phiếu, tín dụng, thị trường chứng khoán đều bị gián đoạn.

Nhà đầu tư lướt sóng sẽ rút chân khỏi thị trường

Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho hay, các doanh nghiệp gặp vấn đề về vốn, lãi suất cho vay tăng, tỷ giá ngoại tệ và chi phí xây dựng tăng. Chưa kể, việc triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn trong vướng mắc thủ tục đầu tư, pháp lý dự án. Đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Đây là vướng mắc lớn nhất của thị trường và đã tồn đọng trong nhiều năm qua.

Cùng đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn kéo dài trong việc triển khai dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án. Đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất. Đây là vướng mắc lớn nhất của thị trường và đã tồn đọng trong nhiều năm qua.

Ông Quang nhận định, trong thời gian tới, nhiều nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Nếu đến năm 2023, Nhà nước không có chính sách nới lỏng room tín dụng thực sự, thị trường bất động sản sẽ có sự bán tháo, giá giảm… khi nhà đầu tư không thể "gồng" được nữa.

Bất động sản dù đang trong giai đoạn "quá độ", phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nhưng đây là thời điểm cần thiết để thị trường "thanh lọc". Tuy nhiên, trong thời gian tới khi những nút thắt về tín dụng, pháp lý được tháo gỡ thì thị trường địa ốc sẽ phát triển bền vững trở lại. Khi những nhà đầu tư lướt sóng rút chân khỏi cuộc chơi, bất động sản sẽ trở về giá trị thực và tiếp tục là kênh đầu tư an toàn về mặt dài hạn. Đặc biệt, đây là thời điểm "vàng" đối với người dân có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và tiềm lực tài chính mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, từ nay tới cuối năm, sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng. Thông tin trên không chỉ giải tỏa tâm lý của nhà đầu tư mà còn là tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng.

Sự xuất hiện của những chính sách điều tiết thị trường khiến ngành bất động sản không còn tình trạng "tăng nóng", sốt đất cục bộ như thời gian trước mà chờ thời cơ để bật lực mới. Giới chuyên môn cho rằng, đây là thời điểm mở ra cơ hội cho những chủ đầu tư "có thực lực" cùng những dự án đảm bảo pháp lý vững chắc. Do đó, khi nhìn xa hơn sẽ thấy bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản được điều chỉnh và phục hồi ổn định.

Trong giai đoạn dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, an toàn, nhiều nhà đầu tư với dự trù tài chính tốt dần chuyển sang lựa chọn phân khúc thấp tầng với các dự án nằm tại nội đô và có pháp lý minh bạch.