Tiêu chuẩn quốc tế này hiện đang được nghiên cứu chấp nhận thành Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Nhiệm vụ này đang được Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/COPOLCO Vấn đề chung về người tiêu dùng thực hiện. Trong bài này xin đề cập đến chủ đề Người tiêu dùng trong mua sắm bền vững.
Theo ISO 20400:2017, các chủ đề cốt lõi của mua sắm bền vững là:
- Điều hành tổ chức: Các quá trình và cơ cấu ra quyết định;
- Quyền con người: Nỗ lực thích đáng; tình huống rủi ro về quyền con người; tránh đồng lõa; giải quyết khiếu nại; phân biệt đối xử và nhóm dễ bị tổn thương; quyền công dân và chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc;
- Thực hành lao động: Việc làm và các mối quan hệ việc làm; điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội; đối thoại xã hội; sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc; phát triển và đào tạo con người tại nơi làm việc;
- Môi trường: Phòng ngừa ô nhiễm; sử dụng tài nguyên bền vững; giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khôi phục môi trường sống tự nhiên;
- Thực tiễn hoạt động công bằng: Chống tham nhũng; tham gia chính trị có trách nhiệm; cạnh tranh bình đẳng; thúc đẩy tính bền vững trong chuỗi giá trị; tôn trọng quyền sở hữu;
- Sự tham gia và phát triển của cộng đồng: Sự tham gia của cộng đồng; giáo dục và văn hóa; tạo việc làm và phát triển kỹ năng; phát triển và tiếp cận công nghệ; tạo ra của cải và thu nhập; sức khỏe; đầu tư xã hội;
- Các vấn đề người tiêu dùng: Thực hành marketing công bằng, thông tin xác thực, không định kiến và hợp đồng công bằng; bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng; tiêu dùng bền vững; dịch vụ, hỗ trợ người tiêu dùng và giải quyết khiếu nại, tranh chấp; bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư của người tiêu dùng; quyền sử dụng các dịch vụ thiết yếu; giáo dục và nhận thức.
Liên quan đến chủ đề cốt lõi “Các vấn đề người tiêu dùng”, các tổ chức cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho người tiêu dùng, cũng như cho các khách hàng khác, phải có trách nhiệm đối với những người tiêu dùng và khách hàng đó. Khi đó cần căn cứ vào Hướng dẫn của Liên hiệp Quốc về Bảo vệ Người tiêu dùng. Các hành động và kỳ vọng liên quan đến mua sắm bền vững của tổ chức cần phải là:
Thực hiện marketing công bằng, thông tin xác thực, không định kiến và hợp đồng công bằng: Thúc đẩy các nguyên tắc quyền của người tiêu dùng với nhà cung ứng, ví dụ: được thông báo, quản lý an toàn, đề nghị khắc phục, áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa, tôn trọng quyền riêng tư, đảm bảo bình đẳng giới và sử dụng thiết kế phổ quát. Phối hơp với các nhà cung ứng, đưa ra thông tin rõ ràng và đầy đủ về giá cả, đặc điểm, điều khoản, điều kiện, chi phí, thời hạn của hợp đồng và thời gian hủy bỏ. Phối hợp với các nhà cung ứng, đưa ra thông tin về các vấn đề và tác động của tính bền vững trong chuỗi cung ứng hàng hóa hoặc dịch vụ.
Về Bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng: Đảm bảo với các nhà cung ứng rằng sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng trong tiêu dùng, sử dụng, lưu trữ, bảo trì, sửa chữa và trả lại, bao gồm cả việc tránh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Về Tiêu dùng bền vững: Khuyến khích thiết kế sản phẩm và bao gói sao cho có thể dễ dàng sử dụng, tái sử dụng, sửa chữa hay tái chế và, nếu có thể, cung cấp hay gợi ý các dịch vụ tái chế và hủy bỏ. Cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm và dịch vụ, bao gồm nước xuất xứ, hiệu suất năng lượng (khi có thể), hàm lượng hoặc thành phần (khi thích hợp gồm cả việc sử dụng sinh vật và phân tử nano biến đổi gen) và thông tin liên quan đến chăm sóc bảo vệ động vật. Sử dụng các chương trình ghi nhãn xác nhận độc lập, tin cậy và hiệu quả thích hợp hoặc các chương trình xác nhận khác (ví dụ như nhãn sinh thái hay hoạt động đánh giá) để truyền thông các khía cạnh tích cực với môi trường, hiệu suất năng lượng và các đặc điểm tiện ích xã hội và môi trường khác của sản phẩm và dịch vụ.
Về Dịch vụ, hỗ trợ người tiêu dùng và giải quyết khiếu nại, tranh chấp: Cung cấp đầy đủ dịch vụ tiêu dùng, cơ chế hỗ trợ và khiếu nại, bao gồm lắp đặt, bảo đảm và bảo hành thích hợp, và hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng, cũng như cung cấp các quy định để trả lại, sửa chữa và bảo trì. Sử dụng các thủ tục về giải quyết tranh chấp, giải quyết xung đột và bồi thường dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế, miễn phí hay ở mức chi phí tối thiểu với người tiêu dùng.
Về Bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư của người tiêu dùng: Cung cấp bảo vệ dữ liệu và sự riêng tư của người tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng bằng việc giới hạn các loại thông tin thu thập cũng như cách thức thông tin được lấy, sử dụng và bảo mật. Sự gia tăng việc sử dụng truyền thông điện tử (bao gồm cả các giao dịch tài chính) và thử nghiệm gen, cũng như sự tăng trưởng về cơ sở dữ liệu quy mô rộng, làm gia tăng mối quan ngại về sự riêng tư của người tiêu dùng có thể được bảo vệ như thế nào, đặc biệt là về thông tin nhận dạng cá nhân.
Về Quyền sử dụng các dịch vụ thiết yếu: Kích thích và khuyến khích các chuỗi cung ứng theo đuổi cơ hội (địa phương) để thực hiện quyền đối với các dịch vụ tiện ích thiết yếu, ví dụ: điện, khí đốt, nước, nước thải, hệ thống thoát nước, rác thải và truyền thông.
Về Giáo dục và nhận thức: Góp phần vào giáo dục người tiêu dùng bằng cách cùng với các nhà cung ứng, cung cấp thông tin về tiêu dùng bền vững, sức khỏe và an toàn và tác động môi trường, ví dụ: bằng cách cung cấp nhãn, hướng dẫn, hướng dẫn sử dụng và truyền thông khác.