Báo cáo thị trường bất động sản TPHCM và các vùng phụ cận trong tháng 7/2024 của DKRA Group cho thấy, nguồn cung mới của phân khúc căn hộ ghi nhận tăng 9% so với tháng trước nhưng sụt giảm mạnh 84% so với cùng kỳ tháng 7/2023.
Nguồn cung mới tập trung tại TPHCM và Bình Dương, lần lượt chiếm 36% và 39% tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Hầu hết nguồn cung mới thuộc phân khúc căn hộ hạng B và C, phân bổ chủ yếu tại khu Đông TPHCM hay tại TP Dĩ An, Bình Dương.
Tỉ lệ tiêu thụ nguồn cung mới ở trong tháng qua cũng ở mức thấp, khoảng 30% nguồn cung mới. Giá bán các căn hộ chung cư tại TPHCM thấp nhất 42 triệu đồng/m2 và cao nhất đạt 57 triệu đồng/m2; tại tỉnh Đồng Nai là 31 - 35 triệu đồng/m2, Bình Dương là 29 - 48 triệu đồng/m2, Bà Rịa – Vũng Tàu là từ 48 - 53 triệu đồng/m2.
Các chuyên gia DKRA Group - đánh giá, lượng tiêu thụ căn hộ trong tháng sụt giảm mạnh phần nào bị ảnh hưởng do người mua lựa chọn quan sát diễn biến thị trường khi các Luật mới có hiệu lực vào đầu tháng 8/2024. Mặt bằng giá bán căn hộ sơ cấp và thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường tập trung ở những dự án có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng nhanh chóng, tạo niềm tin nơi người mua.
Đối với phân khúc nhà phố, biệt thự, báo cáo cho thấy nguồn cung mới có nhiều cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 và đạt mức tăng khoảng 14% so với tháng trước. Trong đó, tỉnh Đồng Nai và TPHCM chiếm 85% tỷ trọng nguồn cung mới, khu vực Bà Rịa – Vũng Tầu chiếm 15% tỷ trọng cung còn lại.
Thanh khoản thị trường cũng ở mức trung bình, lượng tiêu thụ tương đương khoảng 50% trên tổng nguồn cung mới của tháng, giảm 17% so với tháng trước. Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng khoảng 1% so với lần mở bán trước đó. Tuy nhiên, các chính sách kích cầu thị trường tiếp tục được áp dụng nhằm tăng thanh khoản.
Nhận định về thị trường sau khi các bộ luật mới có hiệu lực, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, trong khoảng thời gian chờ “ngấm”, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững, với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường BĐS sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.
Với phân khúc nhà ở, trên cơ sở các bộ Luật mới có hiệu lực sớm, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương không ngừng "dốc sức" thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi, các doanh nghiệp phát triển dự án sẽ "bung hàng" với các hoạt động truyền thông rầm rộ hơn. Nhu cầu mua nhà để ở sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cùng với nhu cầu đầu tư phục hồi khoảng 30% so với hồi đầu năm và hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa tăng giá,...sẽ thúc đẩy lượng giao dịch tiếp tục tăng.
Không chỉ người mua nhà đang sinh sống trong nước mà Việt kiều cũng đang chờ đợi để “rộng cửa” mua nhà tại Việt Nam sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 (hiệu lực từ 1/8/2024) có điểm mới nổi bật được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, đó là việc mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
Theo đó, liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài hay gọi chung là Việt kiều sẽ có 2 nhóm đối tượng được Luật Đất đai 2024 công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam”, và “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
Trước đây, để sở hữu nhà đất tại Việt Nam, Việt kiều phải thông qua người thân, người quen để đứng tên do vướng pháp lý, song cũng nhiều trường hợp bị người đứng tên hộ chiếm luôn tài sản. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng giao dịch bất động sản của Việt kiều khá hạn chế. Chính vì vậy, việc mở rộng quyền của người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản trong nước nhận được nhiều sự quan tâm.